Có thể ghi hình núi lửa phun trào dưới đáy biển

Sau 25 năm nghiên cứu, giới khoa học đã tận mắt nhìn thấy cảnh bọt dung nham đỏ rực tuôn trào ở độ sâu 1,2 km dưới Thái Bình Dương.
Các nhà khoa học Mỹ lần đầu tiên đã ghi lại được cảnh một núi lửa phun trào dưới đại dương gần Samoa hồi tháng 5 vừa qua.

Sau 25 năm nỗ lực nghiên cứu, với một rôbốt quay phim đặc biệt dưới nước, các nhà khoa học đã tận mắt nhìn thấy cảnh những bọt dung nham đỏ rực tuôn trào ở độ sâu 1,2 km dưới Thái Bình Dương.

Theo giới khoa học, đây là một phát hiện địa chất quan trọng để từ những hình ảnh, dữ liệu và các mẫu nham thạch thu được, họ có thể nghiên cứu quá trình hình thành lớp vỏ đại dương cũng như biến đổi của Trái Đất khi các mảng kiến tạo địa tầng va chạm vào nhau.

Nhà địa chất hải dương Bob Embley, thuộc Cơ quan khí quyển và đại dương Mỹ, cho biết do áp lực nước dưới đáy đại dương quá lớn, át sức mạnh phun trào của núi lửa, nên rôbốt có thể tiến rất gần một núi lửa đang hoạt động, một điều vốn không thể thực hiện được trên mặt đất.

Với công nghệ tiên tiến, các nhà khoa học cũng chuẩn bị nghiên cứu loài tôm và một số loại vi sinh vật có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt quanh khu vực núi lửa. Các chuyên gia cho biết nước ở khu vực này thường có hàm lượng axít rất cao.

Vụ núi lửa West Mata phun trào đã tạo cơ hội cho các nhà khoa học chứng kiến những hình ảnh rất ngoạn mục, các dòng mắcma đỏ rực phụt lên, giải phóng luồng khói khí lưu huỳnh, sau đó chúng bị đông cứng lại ngay lập tức khi gặp nhiệt độ lạnh của nước, tạo nên những mảng đá màu đen chìm xuống đáy biển.

Khoảng 80% núi lửa phun trào trên thế giới diễn ra dưới đại dương, song trước đó con người chưa bao giờ tận mắt chứng kiến hiện tượng này./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục