Có thể giảm tốc độ chạy tàu ở “điểm đen” tai nạn

Để giảm thiểu tai nạn đường sắt, các ngành phải vào cuộc quyết liệt, thậm chí có thể giảm tốc độ chạy tàu ở “điểm đen” tai nạn.
Trước tình trạng tai nạn giao thông đường sắt gia tăng hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng, các ngành, các cấp đều phải vào cuộc để kiềm chế bằng mọi cách, Ngoài trách nhiệm của cơ quan chủ quản, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương. “Đặc biệt, để tai nạn giảm, nếu cần có thể giảm tốc độ chạy tàu ở khu vực thường xảy ra tai nạn như Hà Nội-Nam Định, tăng tốc độ ở khu vực miền Trung bởi đường tốt, thưa dân cư...,” Thứ trưởng Hùng khẳng định. Thông tin trên được đưa ra trong Hội nghị triển khai công tác an toàn giao thông đường sắt năm 2012 giữa Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Tổng công ty đường sắt và Cục đường sắt Việt Nam vào ngày hôm nay (9/2). Trong hai tháng đầu năm 2012, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ tại nạn giao thông đường sắt, khiến nhiều người thiệt mạng. Theo báo cáo của Tổng công ty đường sắt Việt Nam thì nguyên nhân gây ra các vụ tại nạn giao thông đường sắt cho thấy, 96,4% là do khách quan (chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông gây ra) trong đó có tới 72% số vụ xảy ra ở các đường ngang bất hợp pháp (đường ngang dân sinh), số vụ xảy ra ở đường ngang có người gác chiếm 2,1%, đường ngang có tín hiệu cảnh báo tự động chiếm 6,4%. Ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng giám đốc, Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết: "Trong Kế hoạch của Tổng công ty  báo cáo lên Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải về Nghị định 88 và Quyết định 1856 sẽ khảo sát toàn bộ các đường ngang, trên cơ sở đó làm đường gom đồng thời chuyển 1 số đường ngang không gác thành có gác, đường dẫn chuyển thành cảnh báo tự động…" Ông Tường cũng bày tỏ mong muốn các địa phương phối hợp để đóng các đường dân sinh, sử dụng đường gom, lan can hàng rảo sắt nhằm hạn chế tối đa tai nạn giao thông từ đường sắt. Theo Cục đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa được làm thường xuyên, liên tục, kết cấu hạ tầng đường sắt không đáp ứng được yêu cầu, nhiều cầu yếu. “Hiện đường sắt vẫn còn 300 đường ngang trong diện quản lý nhưng lại không hợp pháp theo điều lệ đường ngang, thiếu nhiều biển báo, vạch dừng, gờ giảm tốc, công tác kiểm tra, pháp hiện và xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt chưa kiên quyết cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường sắt,” đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết. Để xiết lại trật tự kỷ cương, an toàn giao thông đường sắt trước những vụ tại nạn giao thông đường sắt xảy ra gần đây, chỉ đạo tại hội nghị Thứ trưởng Hùng đã nêu ra 7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012. Cụ thể, ngành đường sắt phải chú trọng đến việc triển khai các giải pháp để giảm thiểu tại nạn giao thông đường sắt, như: lắp thêm đèn cảnh báo, mở rộng phạm vi đặt tín hiệu báo có tàu xa hơn 30 - 40m so với hiện nay; xem lại chất lượng của còi trên đầu máy; chủ động làm việc phối hợp với địa phương; không chờ địa phương phối hợp với đường sắt.../.
Theo số liệu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2011, toàn mạng đường sắt đã xảy ra 533 vụ tại nạn giao thông đường sắt, tăng 13,2% so với năm 2010.

Trong đó, tai nạn có nguyên nhân khách quan chiếm 514 vụ, tăng 14,2%; chủ quan 17 vụ, giảm 10,5%. Sự cố chạy tàu xảy ra 955 vụ, giảm 2,6%, trong đó do khách quan chiếm 338 vụ, chủ quan có 617 vụ.

Do tai nạn giao thông và các sự cố chạy tàu nên trong năm qua, số giờ tàu bị chậm gần 1.276 giờ, làm hỏng hơn 3.100m đường sắt, 16 đầu máy, 30 toa xe và 213 ôtô, xe máy.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục