Có tới 30-40% thanh thiếu niên của Việt Nam bị tật khúc xạ

Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người bị mù và thị lực kém

Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 30-40% trên cả nước. Đây là con số rất đáng báo động.
Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người bị mù và thị lực kém ảnh 1Khám, kiểm tra mắt cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém, trong đó nguyên nhân hàng đầu là bệnh đục thủy tinh thể; ngoài ra các bệnh lý về đáy mắt như võng mạc đái tháo đường, võng mạc cao huyết áp, thoái hoá hoàng điểm, tắc tĩnh mạch võng mạc, bong võng mạc… cũng tăng nhanh.

Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 30-40% trên cả nước. Đây là những con số đáng báo động về bệnh mắt trong những năm gần đây.

Thông tin trên được các chuyên gia về mắt đưa ra tại Hội thảo khoa học cập nhật các kỹ thuật triển khai về mắt, diễn ra vào chiều 27/11 tại Hà Nội.

[Gặp mặt tân sinh viên thủ khoa ngành y dược năm học 2019-2020]

Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Đăng Dũng - Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế DND cho biết đây là dịp để các chuyên gia nhãn khoa khu vực phía Bắc gặp gỡ, trao đổi những kiến thức mới và cập nhật các kỹ thuật mới điều trị các bệnh về mắt.

Hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia đầu ngành chia sẻ, thảo luận về việc ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật cao trên thế giới vào công tác điều trị cho bệnh nhân: Các phương pháp và những thách thức trong phẫu thuật tật khúc xạ; Kiểm soát, xử lý biến chứng trong phẫu thuật Phaco; Cập nhật xu hướng trên thế giới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý đáy mắt.

Theo bác sỹ Dũng, những năm qua, bệnh viện thường xuyên tham gia các khóa đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, hợp tác chuyển giao kỹ thuật, trao đổi chuyên môn với các nền y học tiên tiến như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… nhờ đó đã xây dựng được đội ngũ chuyên gia phẫu thuật bài bản, kinh nghiệm xử lý những ca phức tạp nhất.

Bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng là một trong những phẫu thuật viên đầu tiên tại Việt Nam thực hiện phẫu thuật Phaco và phẫu thuật điều trị tật khúc xạ. Đến nay, bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng đã thực hiện thành công hơn 100.000 ca phẫu thuật, khẳng định uy tín chuyên gia hàng đầu trong ngành nhãn khoa.

Thạc sỹ Đặng Thị Như Quỳnh - Phó giám đốc bệnh viện Mắt Quốc tế DND cho biết đáy mắt là một chuyên khoa sâu trong lĩnh vực nhãn khoa, đòi hỏi sự chú trọng đầu tư thiết bị và con người cao hơn so với các chuyên khoa khác.

Bác sỹ Đặng Thị Như Quỳnh nói về việc trẻ em đeo kính đúng số:

Theo bác sỹ Quỳnh, có trường hợp trẻ được bố mẹ đưa tới cửa hàng kính cắt và đeo kính cận 2 đi-ốp, tuy nhiên khi tới bệnh viện, các bác sỹ kiểm tra lại bằng các phương pháp thì kết quả cho thấy trẻ bị viễn thị. Ở trẻ nhỏ, lực điều tiết ở mắt rất lớn, khả năng có thể thay đổi biên độ từ 5-7 đi ốp. Vì vậy, trẻ có thể chuyển từ trạng thái này sang trạng thái kia. Bên cạnh đó, nhân viên tại các cửa hàng kính không chuyên sâu về kỹ thuật kiểm tra kính nên có thể dẫn đến sai số. Trẻ sau khi được kiểm tra lại và đeo kính đúng số và lấy lại thị lực cho mắt, nhưng phải mất thời gian để làm quen với kính đúng số.

Bác sỹ Quỳnh khuyến cáo, để phát hiện kịp thời bệnh lý về mắt mắt, bệnh nhân cần tới các trung tâm nhãn khoa có đầy đủ hệ thống khám, chẩn đoán hình ảnh đồng bộ để có hướng điều trị đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Bệnh nhân mắc các bệnh về mắt phải thường xuyên đi khám định kỳ từ 3-6 tháng tại các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để kiểm soát bệnh lý, ngăn chặn tình trạng bệnh ngày càng tiến triển, có thể dẫn đến mù lòa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục