Có tới hơn 204.000 người nghiện ma túy trong cả nước

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 204.000 người nghiện ma túy, đặc biệt, người nghiện có ở 100% các tỉnh, thành phố và 90% quận, huyện.
Có tới hơn 204.000 người nghiện ma túy trong cả nước ảnh 1Người nghiện được học nghề trong thời gian cai nghiện để sẵn sàng hòa nhập với cộng đồng sau cai. (Ảnh: TTXVN)

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 204.000 người nghiện ma túy. Đặc biệt, người nghiện đã xuất hiện ở 100% các tỉnh, thành phố; 90% quận, huyện và khoảng 70% xã , phường, thị trấn. Người nghiện cũng ở mọi thành phần xã hội như: học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động…

Đây là số liệu được báo cáo tại Hội nghị biểu dương và nhân rộng mô hình tổ chức, cá nhân hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện, người cai nghiện tiêu biểu hòa nhập cộng đồng do Bộ Lao động, Thương binh Xã hội tổ chức ngày 14/11, tại Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong số hơn 204.000 người nghiện ma túy có 74% ở độ tuổi 18-35, 96% là nam giới và 4% là nữ giới. Hiện nay, số người nghiện sử dụng heroin chiếm 72% và có xu hướng giảm dần, trong khi đó, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp nhóm kích thích dạng Amphetamin (ATS) ngày càng gia tăng.

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có 142 trung tâm cai nghiện may túy, trong đó có 123 trung tâm do nhà nước quản lý và 19 trung tâm do các tổ chức và cá nhân thành lập.

Chỉ riêng trong 3 năm (từ 2011 đến 2013), đã có 127.800 lượt người được điều trị cai nghiện, chiếm 74% số người nghiện có hồ sơ quản lý. Riêng quản lý sau cai nghiện, hơn 55.000 lượt người được quản lý sau cai nghiện và hơn 53.000 lượt người được dạy nghề, tạo việc làm ở cả trung tâm và cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, trong thời gian cai nghiện tại trung tâm, người nghiện được học nghề kết hợp với lao động trị liệu như cơ khí, may, thủ công mỹ nghệ, cắt tóc, mộc, tin học, lái xe... Đối với những người cai nghiện tại gia đình nếu có nhu cầu học nghề được hỗ trợ học nghề mức 1 triệu đồng/người. Tuy nhiên, việc giúp người nghiện từng bước hòa nhập cộng đồng vẫn còn là vấn đề khó khăn đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội.

Tại hội nghị, 12 tập thể và 32 cá nhân tiêu biểu trong phong trào hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện hội nhập cộng đồng, người nghiện vượt khó vươn lên cai nghiện thành công đã được biểu dương. Một số cơ sở sản xuất chủ động tiếp nhận người nghiện vào làm việc đã được biểu dương như: Trung tâm sữa chữa bảo dưỡng xe gắn máy Tuấn Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên giúp đỡ 4-5 người sau cai nghiện học việc và làm việc; cơ sở dệt chiếu Hồng Hiệp, (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) hàng năm tiếp nhận và giải quyết việc làm cho 5-10 lao động với thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục