Cố vấn Mỹ: Tổng thống Nga Vladimir Putin định làm gì ở Bắc Cực?

Ông Putin đã tìm cách tự trả lời câu hỏi này vào năm 2017 khi ông bay tới quần đảo Franz Josef Land ở vùng Bắc Cực hẻo lánh và tuyên bố rằng ông muốn Nga tăng cường hiện diện tại khu vực này.
Cố vấn Mỹ: Tổng thống Nga Vladimir Putin định làm gì ở Bắc Cực? ảnh 1Cờ Nga tại Bác Cực. (Nguồn: ubaltciclfellows.wordpress.com)

Mạng tin The Hill mới đây đăng bài bình luận về ý định thực sự của Nga ở Bắc Cực của tác giả Alice Hill - nhà nhiên cứu cấp cao của Viện Hoover, từng là cố vấn đặc biệt cho tổng thống Mỹ và giám đốc cấp cao phụ trách chính sách Bắc Cực trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Dưới đây là nội dung chi tiết:

Tổng thống Nga Vladimir Putin định làm gì ở Bắc Cực? Câu hỏi đó đã được đưa ra rất nhiều lần, đặc biệt khi liên quan tới các hành động và ý định của Nga ở Bắc Cực.

Nga lần đầu tiên khiến thế giới phải đặt ra câu hỏi này vào năm 2007 khi cắm cờ Nga vào đáy biển ngay phía dưới Cực Bắc.

Tám năm sau, Thượng nghị sỹ Lisa Murkowski (Đảng Cộng hòa, bang Alaska) đã đặt ra câu hỏi này với Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ sau khi Lầu Năm Góc đưa ra đề xuất giảm sự hiện diện của quân đội tại Alaska bất chấp việc Nga gia tăng các hoạt động quân sự tại Bắc Cực.

Ông Putin đã tìm cách tự trả lời câu hỏi này vào năm 2017 khi ông cùng với Thủ tướng của mình bay tới quần đảo Franz Josef Land ở vùng Bắc Cực hẻo lánh và tuyên bố rằng ông muốn Nga tăng cường hiện diện tại khu vực này với "những dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm việc khảo sát và phát triển thềm lục địa ở Bắc Cực."

[Bắc Cực liệu có thể trở thành điểm nóng địa chính trị tiếp theo?]

Các hoạt động của Nga ở Bắc Cực, cũng như động cơ của họ, không những phải theo dõi sát sao mà còn cần có một kế hoạch để đối phó.

Trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng, Bắc Cực đang ngày càng thu hút sự quan tâm lớn hơn về địa chính trị. Nhiệt độ ấm lên dần hé mở triển vọng khai thác các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực, các tuyến đường biển ngắn hơn nhờ đi qua Bắc Băng Dương không còn băng đá, và sự thống trị chiến lược lớn hơn cho các quốc gia hiện diện tại khu vực.

Mỹ và Nga đã và đang hợp tác với nhau tại Bắc Cực. Các tàu của Nga và Mỹ đã thực hiện tuần tra chung tại biển Bering, tăng cường trao đổi để canh chừng các hoạt động hàng hải phi pháp.

Hai nước cũng tôn trọng quyền của nhau trong việc thực hiện các cuộc tập trận quân sự thường xuyên ở Bắc Cực, và hai bên đã bắt đầu tổ chức các cuộc đàm phán chính thức hồi năm ngoái để chắc chắn rằng mọi việc không vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, bất chấp sự hợp tác đó, Nga đang "hành xử hung hăng ở Bắc Cực," theo lời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Mặc dù một số người vẫn tranh luận về việc ông Putin thực chất định làm gì, song có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang quân sự hóa Bắc Cực. Nga đã xây dựng các căn cứ quân sự mới, mở cửa trở lại các căn cứ cũ, và cải thiện khả năng liên lạc của Nga tại khu vực này.

Các cuộc tập trận quân sự ở Bắc Cực của Nga cũng ngày càng được củng cố. Năm 2018, cuộc tập trận của Nga tại khu vực này đã huy động tới 300.000 binh sỹ, 1.000 chiến đấu cơ, 80 tàu chiến và 36.000 xe tăng - trở thành cuộc tập trận lớn nhất kể từ năm 1981.

Cũng trong năm đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã triển khai cuộc tập trận quân sự lớn nhất của tổ chức này ở Bắc Cực kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh - một dấu hiệu đe dọa trừng phạt lẫn nhau.

Tuy nhiên, các con số của NATO đã không thể so bì được với Nga: Cuộc tập trận của NATO chỉ huy động 50.000 quân, 250 chiến đấu cơ, 65 tàu chiến và 10.000 xe tăng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cảnh báo rằng các cuộc tập trận trong năm nay có thể có quy mô lớn hơn, biến chúng trở thành "cuộc kiểm tra nghiêm túc về khả năng chiến đấu của binh sỹ (của Nga) ở Bắc Cực."

Năm 2018, có 11 máy bay ném bom của Nga đã giả định thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào một trạm rađa của Na Uy tại Vardø. Kể từ năm 2017, Điện Kremlin đã cố ý can thiệp vào các mạng lưới trao đổi thông tin quan trọng khi NATO thực hiện các cuộc tập trận ở Bắc Cực.

Hầu như không nghi ngờ gì rằng quan hệ ổn định giữa Mỹ và Nga ở Bắc Cực đang bị lung lay. Mỹ không thể tiếp tục bị ru ngủ bởi những tuyên bố của ông Putin rằng các tham vọng ở Bắc Cực của Moskva là hòa bình.

Những động thái của Nga là câu trả lời rõ nhất về ý định của ông Putin. Tuy nhiên, cho dù trong khi câu hỏi này tiếp tục được đặt ra thì Mỹ vẫn cần tăng cường khả năng và sự hiện của mình ở Bắc Cực.

Mỹ không thể tiếp tục bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua nhằm nắm bắt các cơ hội kinh tế mới. Mỹ phải bảo vệ mình trước các động thái quân sự hung hăng có thể xảy ra trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu tăng lên làm tan chảy các tuyến đường biển từng bị đóng băng. Ngăn chặn chính sách phục thù của Nga ở Bắc Cực có nghĩa là, đầu tiên và trước hết, Mỹ cần xây dựng sự hiện diện và các khả năng của mình tại khu vực này.

Theo chiến lược Bắc Cực của Lực lượng tuần duyên Mỹ được công bố hồi tháng 4/2019, việc Mỹ không cải thiện các khả năng của mình ở Bắc Cực "đã tạo ra lỗ hổng chiến lược đe dọa tới khả năng bảo vệ hiệu quả chủ quyền của Mỹ." Ngoài ra, hai tàu phá băng của Mỹ khó có thể cạnh tranh được với đội tàu phá băng lên tới 40 chiếc của Nga.

Quốc hội Mỹ đã cho thông qua ngân sách 1 tỷ USD để phát triển đội tàu này. Vị trí Đặc phái viên Mỹ về Bắc Cực đã bị bỏ trống kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, việc bổ sung vị trí này sẽ là một bước tiến tích cực.

Cuối cùng, nguy cơ xảy ra xung đột tại Bắc Cực càng lớn thì các quân nhân của Mỹ càng cần phải được chuẩn bị tốt hơn cho những điều kiện khắc nghiệt ở khu vực này. Các lực lượng của Mỹ và NATO cần huấn luyện chuyên sâu nếu muốn hoạt động hiệu quả trong một môi trường khắc nghiệt như vậy, nơi nhiệt độ thường xuyên ở mức -45 độ C.

Nhiệt độ toàn cầu tăng lên mở ra các cơ hội mới ở Bắc Cực, song chúng cũng mở đường cho những hành động liều lĩnh nhằm cân bằng địa chính trị. Hòa bình ở Bắc Cực đang đặt trên một tảng băng mỏng, và Mỹ không thể để nó ngày càng bị mỏng đi.

Mỹ có thể tiếp tục đặt câu hỏi về ý định thực sự của ông Putin, song Washington cũng phải tập trung vào việc tăng cường các khả năng của mình ở Bắc Cực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục