CO2 trong không khí tăng khiến chất lượng lúa mỳ giảm

Một nhóm nghiên cứu vừa đưa ra lời cảnh báo rằng lượng CO2 trong không khí tăng cao sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng các loại hạt cơ bản, bao gồm gạo và lúa mỳ.
CO2 trong không khí tăng khiến chất lượng lúa mỳ giảm ảnh 1Thu hoạch lúa mỳ. (Nguồn: THX/TTXVN)
Lượng CO2 trong không khí tăng cao sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng các loại hạt cơ bản, bao gồm gạo và lúa mỳ. Đây là cảnh báo của một nhóm nghiên cứu đăng trên tạp trí Tự nhiên của Anh ra ngày 7/5.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 41 giống cây trồng cho hạt trong 6 vụ trên những cánh đồng mở tại 17 khu vực ở Australia, Nhật Bản và Mỹ, những nơi cây trồng phơi nhiễm với nồng độ CO2 cao hơn thải ra từ các đường ống dẫn khí đốt nằm trên mặt đất.
Ở những khu vực này, cây trồng phát triển trong môi trường có nồng độ CO2 là 546-586 phần triệu (ppm), trong khi nồng độ bình thường là 400 ppm, chưa kể nồng độ trên đang gia tăng khoảng 2 hoặc 3 ppm một năm và có thể vượt "ngưỡng" an toàn đối với cây trồng vào giữa thế kỷ này.
Trong môi trường sống "giàu" CO2 như vậy, lượng kẽm đã giảm 9,3%, sắt 5,1% và và protein 6,3% đối với lúa mỳ, so với cùng loại hạt này được thu hoạch ở môi trường bình thường. Đối với gạo, 3 dưỡng chất quan trọng này giảm tuần tự 3,3%, 5,2% và 7,8%.
Các nhà khoa học cũng phát hiện chiều hướng giảm dưỡng chất kẽm và sắt ở các loại đậu trồng trên các cánh đồng mở, nhưng ít thấy sự thay đổi lượng protein ở các loại hạt khác phát triển trong cùng môi trường. Tác động từ môi trường "giàu" CO2 đối với ngô và kê tương đối nhỏ.
Ông Samuel Myer, nhà nghiên cứu tại Khoa Sức khỏe Cộng đồng thuộc trường Đại học Harvard của Anh, cho rằng nghiên cứu trên là câu trả lời đầu tiên đối với câu hỏi liệu lượng khí CO2 đang ngày càng gia tăng trong khí quyển kể từ sau Cách mạng Công nghiệp có đe dọa chất lượng dinh dưỡng của con người hay không.
Cũng theo nhà khoa học này, chính con người đang làm thay đổi môi trường sống của mình với những hậu quả khôn lường.
Nghiên cứu kêu gọi các nhà gây giống phát triển những giống ngũ cốc ít nhạy cảm với CO2 để đảm bảo chất lượng lương thực. Nếu không có sự hỗ trợ này, người dân ở những nước nghèo có nguy cơ hưởng thụ chất lượng dinh dưỡng ngày càng xấu đi.
Khoảng 2 tỷ người trên thế giới đang trong tình trạng thiếu kẽm hoặc sắt, điều này tác động tới hệ miễn dịch và gây hiện tượng thiếu máu./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục