Colombia rút 5,4 tỷ USD từ nguồn tài chính dự trữ để ứng phó COVID-19

Từ khi được thông qua và thực hiện hạn mức tín dụng linh hoạt vào năm 2009, đây là lần đầu tiên Colombia sử dụng nguồn tài chính này, một công cụ dự trữ giúp đáp ứng nhu cầu thanh khoản khi cần.
Colombia rút 5,4 tỷ USD từ nguồn tài chính dự trữ để ứng phó COVID-19 ảnh 1Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bogota, Colombia, ngày 23/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 3/12, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo Chính phủ Colombia đã quyết định rút 5,4 tỷ USD từ hạn mức tín dụng linh hoạt (FCL) nhằm đối phó với tác động kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Từ khi được thông qua và thực hiện FCL vào năm 2009, đây là lần đầu tiên Colombia sử dụng nguồn tài chính này, một công cụ dự trữ giúp đáp ứng nhu cầu thanh khoản khi cần và là “lá chắn” bổ trợ cho nền kinh tế khi đối mặt với sự biến động tài chính trên toàn cầu.

Vào tháng 5/2020, Colombia đã đồng ý gia hạn FCL thêm hai năm và vào tháng 9/2020 đã chấp thuận mở rộng nguồn vốn này lên 17,6 tỷ USD.

IMF cho biết Chính phủ của Tổng thống Iván Duque dự định sử dụng 12,2 tỷ USD còn lại như một khoản tín dụng dự phòng. Định chế tài chính này nhấn mạnh việc tiếp cận các nguồn lực này sẽ giúp Colombia hỗ trợ nền tài chính công trong cuộc chiến chống COVID-19, đồng thời cho phép nước này duy trì một nguồn tài chính mang tính thanh khoản quốc tế giúp giảm thiểu các rủi ro bên ngoài.

[Đệ nhất phu nhân Colombia dương tính với SARS-CoV-2 gây COVID-19]

Colombia, nền kinh tế lớn thứ tư của Mỹ Latinh, vào tháng 10/2020 đã chính thức rơi vào suy thoái kinh tế lần đầu tiên kể từ năm 1999, sau khi ghi nhận Tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm trong hai quý liên tiếp.

IMF dự báo GDP của Colombia sẽ sụt giảm 8,2% trong năm 2020 và có thể tăng trưởng khoảng 4% vào năm 2021.

Nền kinh tế Colombia chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, trong khi đó giá “vàng đen” trên thị trường thế giới đã sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục sau thời điểm dịch COVID-19 bùng phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục