Colombia thay đổi chiến lược chống nạn sản xuất ma túy

Colombia vừa đưa ra chiến lược mới đấu tranh chống nạn sản xuất cocaine tại quốc gia này, trong đó chú trọng tới việc phát triển cây trồng thay thế và xóa bỏ bằng tay cây coca.
Colombia thay đổi chiến lược chống nạn sản xuất ma túy ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: bbc)

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Chính phủ Colombia vừa đưa ra chiến lược mới đấu tranh chống nạn sản xuất cocaine tại quốc gia này, trong đó chú trọng tới việc phát triển cây trồng thay thế và xóa bỏ bằng tay cây coca, nguyên liệu sản xuất cocaine.

Chiến lược trên được Tổng thống Juan Manuel Santos công bố hai tuần sau khi chấm dứt các đợt phun thuốc diệt cỏ glyphosate từ máy bay. Hoạt động “không kích” cây coca này từng là tiêu điểm trong chiến lược chống sản xuất ma túy của Bogota trong suốt hai thập kỷ qua.

Mặc dù đã giảm đáng kể diện tích trồng cây coca (từ 163.000ha hồi năm 2000 xuống còn 48.000ha trong năm 2013 theo thống kê chính thức), nhưng nhiều nhà hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường đã lên tiếng chỉ trích biện pháp này không giải quyết được tận gốc vấn đề sinh kế của người nông dân cũng như gây nhiều tác hại tới sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Sau 20 năm áp dụng biện pháp trên, Colombia vẫn là một trong hai nước sản xuất cocaine lớn nhất thế giới (cùng với Peru) với “sản lượng” khoảng 300 tấn cocaine tinh chế mỗi năm.

Theo Tổng thống Santos, kế hoạch thay thế cây coca sẽ mang lại cơ hội cho người nông dân cải thiện điều kiện sống, đồng thời chiến lược mới này cũng sẽ được kết hợp với các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại hợp pháp.

Tổng thống Colombia cũng bày tỏ tin tưởng một thỏa thuận hòa bình với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), mà hiện hai bên đang đàm phán từ hơn 30 tháng qua tại La Habana (Cuba), sẽ góp phần giảm bớt tình trạng sản xuất và buôn bán ma túy tại quốc gia Nam Mỹ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục