Cơn bão kỳ quái

Bão số 10: Cơn bão có hướng đi kỳ lạ và hiếm gặp

Bão số 10 cũng như hoàn lưu của bão đã tan. Song, giới chuyên gia nhận định đây là cơn bão đặc biệt và có thể nói là kỳ quái.
Ông Trần Văn Sáp, Phó Tổng giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 15/10 nói với phóng viên Vietnam+ rằng, bão số 10 (bão Parma) cũng như hoàn lưu của bão đã tan song đây có thể xem là cơn bão… kỳ quái với 16 ngày tồn tại (xuất hiện từ ngày 28-9 đến 15-10).

Thực tế, bão số 10 đã làm cho nhiều người trong ngành khí tượng “choáng” về những hướng đi rất hiếm gặp với hai lần ra vào biển Đông, ba lần đổ vào Philippines. "Nhiều dự báo viên lâu năm trong ngành khí tượng cũng chưa thấy cơn bão nào có sự di chuyển kỳ lạ như bão số 10,” ông Sáp nói.

Nhận định về nguyên nhân của sự lạ kỳ trên, ông Sáp cho rằng trong thời gian “hoạt động” ở khu vực Philippines, bão số 10 đã tương tác rất mạnh với cơn bão Melor nên đường đi liên tục thay đổi khiến ra vào biển Đông nhiều lần. Thêm nữa, sau khi vào biển Đông, qua bán đảo Hải Nam (Trung Quốc) bão số 10 gặp thời điểm không khí lạnh phía Bắc tràn xuống, cộng hưởng với gió mùa Đông Bắc nên sức gió giật tăng lên.

Nguyên nhân cuối cùng là do nhiệt độ Vịnh Bắc Bộ ấm hơn so với bên ngoài đã tiếp thêm năng lượng cho bão số 10 mạnh lên nhanh chóng.

"Tập dượt" di dân tránh thiên tai

Nói về việc dự báo, ông Sáp thẳng thắn thừa nhận việc nhận định cường độ của bão số 10 khi vào Vịnh Bắc bộ so với thực tế là chưa chuẩn, sai 2 cấp so với dự báo. Cụ thể, ngành khí tượng dự báo bão số 10 sẽ gây gió giật cấp 12 tại một số đảo như Bạch Long Vĩ, nhưng thực tế gió ở đây giật cấp 14. Trong đất liền, dự báo gió giật cấp 9-10 thì… giật lùi 1 cấp tại một số vùng ven biển.

Ông cho rằng, những thay đổi của bão số 10, ngành khí tượng cũng dự báo được, song mới chỉ được 12 tiếng. Ở dự báo xa hơn (24 hoặc 48 tiếng) thì còn chưa chính xác.

Nhìn nhận về đội ngũ dự báo viên, ông Sáp cũng nói họ còn hạn chế về nhận thức về các hiện tượng tự nhiên. Song, cũng phải nói rằng dù ở hướng tích cực hay hạn chế thì công tác dự báo khí tượng thủy văn cũng đóng góp 25-30% vào kết quả chung.

Trước ý kiến cho rằng, công tác dự báo cơn bão số 10 chưa thật sự chính xác đã gây lãng phí trong việc sơ tán gần 3 vạn dân, ông Sáp nói “dù bão không đổ bộ nhưng triển khai phòng chống như vậy cũng có thể coi đây là một lần tập dượt.”

Ông bổ sung, có một thực tế là tất cả các trung tâm dự báo trên thế giới đều nhận định như vậy. Không có trung tâm nào dự báo được bão số 10 sẽ tan đi nhanh đến thế... Bởi vậy, việc lãng phí một chút để người dân tập dượt còn hơn chủ quan làm thiệt hại người và tài sản. Và, đợt “tập dượt” này rất hiệu quả, công tác chỉ đạo sơ tán là rất tốt./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục