Cơn bão số 8 sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây

Dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho thấy trong 24 giờ tới, bão số 8 sẽ di chuyển nhanh, chủ yếu theo hướng Tây.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 19 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 19 giờ ngày 18/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 150 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 19 giờ ngày 19/09, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Nam- Quảng Ngãi- Kon Tum. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5-10 km và suy yếu dần thành vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Bình-Bình Định từ gần sáng và ngày mai (18/09), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Ở các tỉnh Nghệ An đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động.

Trước diễn biến nhanh của bão số 8, hiện nay các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão.

Chiều 17/9, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp khẩn bàn các giải pháp đối phó với cơn bão số 8.

Hiện thành phố Đà Nẵng có 87 phương tiện với 792 lao động còn hoạt động trên biển và đang di chuyển vào bờ, tại khu vực bắc Hoàng Sa có 9 phương tiện, với 114 lao động đang neo dù (các tàu dùng một dù lớn để sức gió căng dù lên và néo thuyền an toàn).

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng đã thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão số 8 để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm và nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão theo quy chế; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển.

Thành phố cũng khẩn trương tổ chức đưa toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão tại Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, nghiêm cấm tàu thuyền đi vào neo đậu trên sông Hàn; chỉ đạo các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng nhất là các công trình xây dựng trên cao, các tháp cẩu, nhà cao tầng, các công trình xây dựng. Huyện Hòa Vang đang kiểm tra, đôn đốc ban quản lý các dự án trên địa bàn xã Hòa Liên khẩn trương giải phóng, thông các tuyến thoát lũ, nhất là tuyến qua khu Đô thị Golden Hill.

Tính đến 16 giờ 30 ngày 17/9, toàn tỉnh Quảng Nam hiện còn 234 phương tiện với 3.787 lao động đang hoạt động trên biển, t rong đó, huyện Núi Thành, nơi có số tàu thuyền và ngư dân hành nghề trên biển nhiều nhất tỉnh Quảng Nam, đến 19 giờ, có 172 tàu thuyền với 3.242 lao động vẫn còn trên biển, tập trung ở các tàu có công suất lớn với số lượng lên đến 98 chiếc và 2.692 lao động chuyên hành nghề câu mực và lưới vây ở ngư trường quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa...

Hiện cơ quan chức năng của huyện Núi Thành vẫn liên lạc được với tất cả các tàu hành nghề đang còn ở xa bờ. Qua các phương tiện thông tin liên lạc, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đang hướng dẫn cho các tàu thuyền này vào trú ẩn an toàn quanh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, số còn lại di chuyển vào trú tránh bão quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Chiều 17/9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan khẩn trương, chủ động phòng, tránh và đối phó với Bão số 8 và mưa, lũ lớn trên địa bàn.

Theo đó, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các huyện ven biển và huyện Lý Sơn tổ chức kêu gọi, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh. Từ 16 giờ ngày 17/9, các Đồn, Trạm biên phòng nghiêm cấm các loại tàu thuyền xuất bến ra biển bao gồm cả tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại; tổ chức hướng dẫn sắp xếp, neo đậu tàu thuyền và các loại phương tiện vận tải thủy đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, đến 16 giờ chiều 17/9, tổng số tàu thuyền của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động trên các vùng biển là 1.105 phương tiện với 9.347 lao động./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục