Còn vật cản với việc hòa hợp dân tộc ở Honduras

Còn cản trở với việc hòa hợp dân tộc ở Honduras

Theo giám đốc Vụ các vấn đề quốc tế của tổ chức các nước châu Mỹ, vẫn còn "những vật cản lớn" với vấn đề hòa hợp dân tộc ở Honduras.
Theo EFE, ngày 3/12, bà Irene Klinger - Giám đốc Vụ các vấn đề quốc tế của tổ chức các nước châu Mỹ cho rằng vẫn còn "những vật cản lớn" đối với vấn đề hòa hợp dân tộc ở Honduras sau khi quốc hội nước này bác bỏ việc phục chức cho Tổng thống bị phế truất Manuel Zelaya.

Phát biểu tại phiên họp làm việc song song với hội nghị lần thứ 4 Italy-Mỹ Latinh và Caribe tại thành phố Milan, bà Klinger cảnh báo nền tảng dân chủ ở Honduras cần được tiếp tục củng cố và tăng cường.

Bà nhấn mạnh cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay của Honduras không chỉ tác động đến quốc gia này mà nền dân chủ Mỹ Latinh cũng đang bị đe dọa và tác động. Vì vậy, tình hình hiện nay ở Honduras đang là "một thách thức nghiêm trọng" đối với cộng đồng quốc tế.

Cùng ngày, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu Arturo Valenzuela cho biết Washington thất vọng về việc Quốc hội Honduras bỏ phiếu bác bỏ phục chức cho Tổng thống bị phế truất Honduras Zelaya.

Ông Valenzuela nêu rõ: "Chúng tôi thất vọng về quyết định này vì chúng tôi hy vọng Quốc hội (Honduras) sẽ phê chuẩn việc phục chức cho ông Zelaya".

Tuy nhiên, ông lại khẳng định cuộc bỏ phiếu của Quốc hội hôm 2/2 đã được tiến hành "mở và minh bạch" và Washington cảm thấy an tâm với cam kết hòa giải dân tộc của Tổng thống Porfirio Lobo mới được bầu hôm 29/11.

Ông Valenzuela cho biết Washington sẽ tiếp tục hợp tác với Honduras và các đối tác quốc tế nhằm đạt được mục tiêu hỗ trợ khôi phục nền dân chủ và trật tự hiến pháp của quốc gia Trung Mỹ này.

Ông kêu gọi các phe phái Honduras thực hiện những bước đi khác trong thỏa thuận Tegucigalpa/San Jose trong đó có việc thành lập một chính phủ liên hiệp và ủy ban sự thật để điều tra vụ đảo chính.

Rõ ràng, Mỹ đang thực hiện một chính sách "hai mặt" với Honduras khi tỏ ra thất vọng vì ông Zelaya không được phục chức đồng thời lại ủng hộ chính phủ mới được bầu.

Trước đó Mỹ từng hé mở khả năng công nhận kết quả bầu cử kể cả trong trường hợp Tổng thống hợp hiến Manuel Zelaya không được phục hồi chức vụ trước ngày diễn ra bầu cử.

Trong khi đó, phản ứng trước việc Quốc hội bỏ phiếu bác bỏ phục chức cho mình, Tổng thống bị phế truất Zelaya tuyên bố nền dân chủ của Honduras đã "chết". Ông cho rằng đây là một sự "nhạo báng" đối với hệ thống luật pháp của quốc gia Trung Mỹ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục