Cơn đau đầu của FIFA: Vấn nạn dàn xếp tỷ số

Trước thềm World Cup 2010, FIFA đang đau đầu với vấn nạn dàn xếp tỷ số, trước tình trạng một loạt vụ cá cược bóng đá bị phanh phui.
Không lâu sau vụ "vạ mồm" của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh, ông David Triesman, vốn cho rằng Nga sẽ mua chuộc trọng tài để hỗ trợ Tây Ban Nha ở World Cup và đổi lại là sự ủng hộ của Tây Ban Nha cho Nga trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018, FIFA lại đang đau đầu với vấn nạn dàn xếp tỷ số.

Những phi vụ đáng nhớ!

Cảnh sát Đức mới đây đã triệt phá được đường dây dàn xếp tỷ số, vốn được cho là đã "thò tay" vào 200 trận đấu ở 9 giải đấu tại châu Âu.

Ngay sau khi thông tin được công bố, UEFA đã đưa các đội bóng ở các giải đấu tại Đức, Hy Lạp, Slovenia, Thụy Sĩ, bốn nước có đại diện ở World Cup 2010, cùng với Áo, Bỉ, Bosnia, Croatia, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, vào diện điều tra.

Ngoài ra, UEFA cũng đang "soi" những trận đấu ở Champions League và Europa League mà có sự tham gia của các đội bóng tới từ Albania, Hungary, Latvia và Slovenia.

Có vẻ như mọi chuyện đang diễn ra khá giống với World Cup 2006, cảnh sát Đức khi đó đã lật tẩy được những trận đấu bị dàn xếp, mà nhân vật chính là trọng tài Robert Hoyzer và những tổ chức tội phạm người Croatia.

Rồi Italy, đội bóng lên ngôi vô địch ở World Cup 2006, từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi vụ Calciopoli nổi tiếng.

Cũng liên quan tới cuộc điều tra mà UEFA đang tiến hành, một trọng tài người Bosnia và một người Ukraina bị treo còi vĩnh viễn vì âm mưu dàn xếp tỷ số.

Cả hai trọng tài này đều được đánh giá khá cao và đủ khả năng để cầm còi các trận đấu vòng loại World Cup. Do vậy, FIFA muốn cuộc điều tra hiện nay được nhanh chóng hoàn tất để World Cup 2010 diễn ra mà không có bất cứ vết gợn nào.

Hợp tác với Interpol

FIFA tin rằng số tiền thưởng lớn ở World Cup 2010 cùng với việc các đội tuyển là đại diện cho mỗi dân tộc nên khả năng các cầu thủ hay quan chức bị "mua" là không cao. Tuy vậy, để đề phòng những trường hợp bất trắc có thể xảy ra, FIFA vẫn đề ra những phương án cụ thể.

FIFA thiết lập hẳn một đường dây nóng để các cầu thủ cũng như trọng tài có thể báo cáo về các đề nghị "nằm độ." Không những vậy, lần đầu tiên ở một kỳ World Cup, FIFA còn xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm (EWS) với nhiệm vụ theo dõi các hoạt động cá cược trước trận đấu.

Tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh này đã thu thập thông tin từ gần 450 hãng cá cược hợp pháp, vốn có doanh thu 20 tỷ USD mỗi năm để nghiên cứu. Nếu EWS đưa ra cảnh báo, ngay cả trước giờ khai diễn trận đấu, FIFA có thể hoãn trận đấu hoặc thay đổi trọng tài.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cũng thừa nhận rằng trọng tài sẽ là mục tiêu của những kẻ làm độ. Do vậy, 30 trọng tài cùng 60 trợ lý làm nhiệm vụ ở World Cup 2010 sắp tới sẽ được bảo vệ không kém những nguyên thủ quốc gia.

FIFA sẽ bố trí riêng cho các trọng tài cùng trợ lý ở một khách sạn được bảo vệ nghiêm ngặt ở gần thủ đô Pretoria.

Chủ tịch Blatter khẳng định rằng FIFA sẽ hợp tác với Interpol, tổ chức cảnh sát toàn cầu, để thiết lập một lực lượng đặc biệt nhằm chống lại nạn cá cược bất hợp pháp.

Tuy nhiên, những sáng kiến của FIFA vẫn chưa đủ để thuyết phục ông Declan Hill, tác giả cuốn sách “Dàn xếp: Bóng đá và tội phạm có tổ chức,” vốn mô tả cách các tổ chức tội phạm thâm nhập vào bóng đá cũng như việc cách băng nhóm tội phạm Châu Á đã âm mưu dàn xếp tỷ số ở kỳ World Cup 2006 như thế nào.

Ông Hill cho hay: "Mang Interpol vào để thực hiện điều tra cũng giống như mang Liên Hiệp Quốc vào. Họ bị ràng buộc bởi những vấn đề chính trị cũng như quyền hạn."

Trước đây, ông Hill từng cảnh báo rằng các băng nhóm tội phạm ở Đông Nam Á đang dần chuyển hướng sang châu Âu, sau khi hết đất làm ăn ở "sân nhà" vì ở đó mang tai tiếng bán độ quá nhiều, trong khi đó hệ thống EWS lại không có khả năng kiểm tra hoạt động của thị trường cá cược chợ đen ở châu Á./.
 
                              Thụy Sĩ ra án phạt với 9 cầu thủ bán độ


Liên đoàn Bóng đá Thụy Sĩ thông báo đã ra án phạt đối với chín cầu thủ nước này do có dính líu tới vụ dàn xếp tỷ số, vốn bị cảnh sát Đức phát hiện hồi năm ngoái.

Án phạt đối với năm cầu thủ, gồm Pape Omar Faye, người khoác áo FC Thun vào thời điểm "bán độ," Mario Bigoni, Marc Luetolf, Darko Damjanovic đều của FC Gossau và một cầu thủ nghiệp dư của SV Slavonija Bern.

Trong khi đó, Eldar Ikanovic của FC Thun bị phạt cấm thi đấu 36 tháng, Boze Gudelj của FC Fribourg và David Blumer của FC Thun sẽ không được thi đấu trong 24 tháng còn Anto Franjic của FC Vaduz sẽ bị cấm thi đấu một năm.

Trừ cầu thủ của SV Slavonija Bern, các cầu thủ "dính chàm" đều đang thi đấu ở giải hạng hai của Thụy Sĩ.

UEFA điều tra Câu lạc bộ Debrecen


Giám đốc thể thao của Câu lạc bộ Debrecen, ông Csaba Bartha cho biết tám cầu thủ của đội bóng này đang bị điều tra do những cáo buộc tham gia vào vụ dàn xếp tỷ số trong trận đấu với Fiorentina ở Champions League hồi tháng 10/2009.

Các quan chức của UEFA đã thẩm vấn 8 cầu thủ của Debrecen trong hai ngày trước khi đội bóng này gặp Ujpest hôm 15/5 ở giải Hungary. Ngoài ra, Giám đốc thể thao của Debrecen cũng cho biết thêm UEFA cũng đang điều tra "hàng trăm trận đấu" khác.

Tại vòng bảng Champions League mùa bóng vừa qua, Debrecen đã không thể giành nổi một chiến thắng nào do nằm cùng bảng với những đội bóng hàng đầu Châu Âu như Fiorentina, Lyon hay Liverpool. Ông Bartha cho rằng đội bóng đã rất bất ngờ khi UEFA thẩm vấn 8 cầu thủ của họ.

Theo ông, dù đã rất cố gắng nhưng những gì mà Debrecen có thể làm được trước những đối thủ mạnh hơn rất nhiều là 5 bàn thắng vào lưới Fiorentina.

Trước đó, một người phát ngôn của UEFA cũng xác nhận việc cơ quan này cử một nhóm điều tra tới Budapest để thẩm vấn các cầu thủ.

Theo người phát ngôn này, nhóm của UEFA tới đó với mục đích thu thập thêm thông tin. Tuy nhiên, ông này không cho biết liệu Debrecen có dính líu tới đường dây dàn xếp tỷ số vừa bị các công tố viên Đức phanh phui hay không.

Minh Trang (TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục