Con đường vươn xa của trái cây đặc sản Tiền Giang

Cùng với định hướng thâm canh theo tiêu chí VietGAP, Tiền Giang đang nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả có múi theo hướng bền vững.
Nhiều năm nay, bưởi da xanh - cây chủ lực trong nhóm cây ăn quả có múi tại Tiền Giang phát triển với năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt và luôn bán được giá trên thị trường.

Dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, những nhà vườn giỏi thâm canh bưởi da xanh ở Tiền Giang đều thắng lớn. Với giá bán từ 35.000-40.000 đồng/kg bưởi da xanh, năng suất bình quân khoảng 15 tấn/ha, mỗi ha người trồng thu về nửa tỷ đồng. Đây là mức cao kỷ lục so với trồng các loại cây ăn quả có múi tại Tiền Giang và Đồng bằng sông Cửu Long.

Được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” phía Nam, toàn tỉnh Tiền Giang có gần 70.000ha cây ăn quả các loại, sản lượng mỗi năm hàng triệu tấn quả. Trong số này, cây có múi bao gồm bưởi da xanh, bưởi lông Cổ Cò, quít đường, cam sành... là nhóm trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Theo ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, tỉnh có gần 12.000ha cây có múi tập trung ở 3 huyện nằm trong vùng ngập lũ phía tây là Châu Thành, Cai Lậy và Cái Bè, trong đó riêng diện tích bưởi lông Cổ Cò và bưởi da xanh đã lên đến trên 4.700ha, cho sản lượng mỗi năm gần 80.000 tấn quả, còn lại là cam quít các loại với sản lượng không dưới 150.000 tấn/năm.

Ông Hóa cũng cho biết trong điều kiện thâm canh tốt, cây ăn quả có múi nói chung và cam sành, bưởi da xanh, bưởi lông Cổ Cò nói riêng luôn mang lại nguồn lợi kinh tế lớn so với nhiều chủng loại cây ăn quả khác. Nhờ vậy, bà con vùng chuyên canh có thêm nguồn thu nhập quan trọng, ổn định đời sống, nông nghiệp-nông thôn ngày một đổi mới theo hướng hiện đại. Đây cũng là một trong những nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao của tỉnh Tiền Giang.

Tiền Giang đang thực thi nhiều chính sách khuyếch trương thế mạnh cây ăn quả có múi, giúp nhà vườn vươn lên phát triển bền vững. Một trong những định hướng quan trọng là ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và thâm canh theo tiêu chí VietGAP. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trên lĩnh vực trồng cây ăn quả có múi đang hướng nhà vườn đoạn tuyệt với tập quán canh tác đã lỗi thời, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa đồng thời gắn với bảo quản sau thu hoạch, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm.

Để tạo tiền đề thúc đẩy chương trình sản xuất cây có múi theo tiêu chí VietGAP, Tiền Giang đã thành lập một tổ hợp tác cam sành tại Mỹ Lợi A (Cái Bè) với 16 hộ tham gia trên diện tích sản xuất 16ha.

Theo ông Ngô Văn Bé Em, tổ trưởng Tổ hợp tác cam sành Mỹ Lợi A, tham gia sản xuất theo tiêu chí VietGAP, nhà vườn phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ vườn trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng góp và vận chuyển đưa đi tiêu thụ. Tuy mới mẻ nhưng đây là con đường tất yếu để cây có múi Tiền Giang hội nhập và nhà vườn, xã hội cùng hưởng lợi. Với nhận thức như vậy, nên địa phương tích cực áp dụng cách làm này.

Cùng với định hướng thâm canh theo tiêu chí VietGAP, Tiền Giang cũng nhân rộng những mô hình trồng cây ăn quả có múi theo khoa học, hiệu quả và bền vững. Đơn cử như mô hình trồng ổi xen canh trong vườn cam sành để phòng chống rầy chổng cánh gây bệnh vàng lá Greening - một trong những căn bệnh nan y trên cây có múi tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Mô hình này được Viện Cây ăn quả Miền Nam đánh giá cao bởi tính hiệu quả bền vững trong phòng trừ sâu bệnh cho cây có múi nói chung.

Sử dụng phân hữu cơ trong quá trình thâm canh, chăm sóc để kéo dài tuổi thọ vườn cây, đảm bảo được năng suất, sản lượng và phẩm chất trái khi bán ra thị trường cũng là hướng đi tốt được nhà vườn Tiền Giang áp dụng phổ biến.

Theo tiến sỹ Hồ Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật), Tiền Giang cũng tham gia tích cực và là địa phương được hưởng lợi từ Dự án Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sản xuất theo hướng VietGAP trên cây có múi ở các tỉnh phía Nam do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Trường Đại học Tây Sydney (Australia) triển khai tại 5 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Riêng tại Tiền Giang, thông qua dự án đã có 687 nông hộ được huấn luyện về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây có múi. Đây là một trong những tiền đề quan trọng trong lộ trình sản xuất nông sản theo hướng VietGAP trong đó có đối tượng cây có múi trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của tỉnh Tiền Giang là đến năm 2015 mở rộng diện tích cây bưởi đặc sản gồm bưởi da xanh, bưởi lông Cổ Cò lên 6.880ha, tập trung chủ yếu tại các địa bàn vùng ngập lũ phía Tây. Cam quít cũng mở rộng diện tích lên 8.130ha tại hai huyện Cai Lậy và Cái Bè.

Mặc khác, thông qua chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, Tiền Giang hướng đến năm 2015 đạt trên 80% hộ dân trồng cây có múi theo tiêu chí VietGAP và có 30% diện tích cây có múi đạt tiêu chí này./.

Minh Trí (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục