Cơn khát tiền mặt tại Trung Quốc sẽ dần lắng dịu

PBoC khẳng định nước này không thiếu tiền mặt và tình trạng thanh khoản bấp bênh hiện nay trên thị trường liên ngân hàng sẽ dần lắng dịu.
Trong một tuyên bố mới đây, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) khẳng định nước này không thiếu tiền mặt và tình trạng thanh khoản bấp bênh hiện nay trên thị trường liên ngân hàng sẽ dần lắng dịu.

PBoC cho biết đã hỗ trợ tiền mặt cho một số tổ chức tài chính sau khi lãi suất ngắn hạn liên ngân hàng vọt lên mức cao bất thường trong hai tuần qua.

Hôm 20/5, lãi suất qua đêm SHIBOR - thước đo chi phí đi vay liên ngân hàng - đã lập kỷ lục của mọi thời đại 13,44%. Theo PBoC, hiện tượng này xuất phát từ một loạt yếu tố: tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh, nhu cầu tiền mặt tăng trong lễ hội thuyền rồng (Dragon Boat Festival), những biến động trên thị trường ngoại hối và các ngân hàng "găm" tiền để đáp ứng yêu cầu về dự trữ tiền mặt...

PBoC tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, đồng thời kết hợp sử dụng các công cụ như các nghiệp vụ thị trường mở, thanh khoản ngắn hạn... để điều chỉnh thanh khoản nhằm ngăn chặn những biến động bất thường trên thị trường.

Lãi suất ngắn hạn liên ngân hàng leo thang là nguyên nhân khiến chỉ số chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc giảm hơn 5% trong phiên giao dịch đầu tuần này, ghi dấu mức giảm mạnh nhất (tính trong 1 ngày) trong gần 4 năm qua.

Robert Mundell, chuyên gia kinh tế từng đoạt giải Nobel khẳng định tình trạng thiếu thanh khoản hiện nay trên thị trường tài chính Trung Quốc không phải là một cuộc khủng hoảng, nhưng vấn đề này có thể sẽ kìm hãm sự trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, ông Mundell cảnh báo nếu tín dụng tiếp tục bị thắt chặt trong thời gian dài, có thể dẫn tới khủng hoảng. Ông Mudell cho rằng tăng trưởng chững lại không phải là một vấn đề khẩn cấp đối với kinh tế Trung Quốc.

Antonio Borges, một cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ý lạc quan về "sức khỏe" kinh tế Trung Quốc và cho rằng không có lý do đặc biệt nào để lo ngại về khả năng "hạ cánh cứng" của nền kinh tế này.

Chuyên gia kinh tế Zhang Zhiwei thuộc Nomura dự báo trong bối cảnh xuất khẩu sa sút và nhu cầu nội địa không mấy sáng sủa, có thể Trung Quốc không với tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm nay.

Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong một thập niên qua: thay vì phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, sẽ phải tập trung vào sức tiêu thụ nội địa.

Các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và giới phân tích đều nhất trí sự cần thiết phải thay đổi cơ cấu kinh tế, nhưng có ít ý tưởng cụ thể về việc thực hiện cải cách, nhất là khi cải cách ảnh hưởng tới lợi ích của các doanh nghiệp quốc doanh./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục