“Còn một mét đường hằn lún thì cũng phải khắc phục tới cùng”

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, còn một mét đường nào đó có hằn lún thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, khắc phục tới cùng.
“Còn một mét đường hằn lún thì cũng phải khắc phục tới cùng” ảnh 1Nhiều tuyến Quốc lộ bị lún nền đường in hằn vệt bánh xe. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thời gian qua, hàng loạt tuyến đường kể cả mới đưa vào thông xe và khai thác đã xuất hiện hư hỏng cục bộ, đặc biệt là hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên khắp vùng miền, ở các điều kiện thi công, thời tiết khác nhau.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, những đoạn tuyến bị hằn lún là do kinh nghiệm tổ chức thi công của các nhà thầu, chủ đầu tư còn chủ quan. Tuy nhiên, còn một mét đường nào đó có hằn lún thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, khắc phục tới cùng.

Lỗi chủ quan thi công, chất lượng nhựa đường

Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thiết kế, thi công, quản lý chất lượng, xử lý hiện tượng hằn lún vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa tổ chức sáng 30/6, theo ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, thời gian vừa qua, nắng nóng xuất hiện nắng nóng kéo dài ở khu vực miền Bắc và miền Trung (nhiệt độ không khí đo được có nơi trên 40°C, trên mặt đường bê tông nhựa có thời điểm đo được trên 70°C).

Tại một số đoạn tuyến thuộc các dự án mở rộng Quốc lộ 1 ở các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình đã xuất hiện trở lại hiện tượng hằn lún vệt bánh xe (h > 2,5cm) trên các đoạn có tổng chiều dài từ 0,35-8,86 km gây ảnh hưởng đến khai thác và an toàn giao thông.

Trực tiếp dẫn đoàn đi kiểm tra, chất lượng các tuyến đường trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, vị Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do việc tổ chức thi công, công tác thiết kế, quản lý chất lượng bê tông nhựa chưa tốt và chưa đúng yêu cầu kỹ thuật, vẫn còn tình trạng xe quá tải và thời tiết tác động đến bề mặt đường.

Cụ thể, các đơn vị đánh giá chất lượng, trữ lượng vật liệu chưa đủ, thiếu các thí nghiệm dính bám giữa đá và nhựa dẫn đến trong quá trình thi công nhà thầu phải thay đổi điều chỉnh về nguồn vật liệu, dây chuyền sản xuất thiếu ổn định khi dự án đồng loạt triển khai.

Đặc biệt, công tác thiết kế và sản xuất hỗn hợp bê tông nhựa còn tồn tại khi một số nhà thầu sử dụng các đơn vị tư vấn thiếu kinh nghiệm, chưa có kết quả thí nghiệm hằn lún vệt bánh xe nhưng đã cho triển khai thi công đại trà.

“Các dự án có xuất hiện hằn lún vệt bánh xe đã không tuân thủ các quy định của Bộ Giao thông Vận tải về việc tập trung ít nhất 70% khối lượng vật liệu trước khi thí nghiệm, thiết kế cấp phối và rải thử bê tông nhựa trước khi thi công đại trà. Điều này dẫn đến tình trạng chỉ tiến hành thử nghiệm, thiết kế cấp phôi bê tông nhựa cho một mỏ vật liệu nhưng khi thi công đại trà lại dùng vật liệu ở nhiều mỏ cung cấp khác, có thành phần hạt và tỷ lệ hạt dẹt hoàn toàn khác loại vật liệu đã được thí nghiệm dẫn đến chất lượng bê tông nhựa không đàm bảo ổn định,” ông Hà phân tích.

Cá biệt, nhà thầu tổ chức thi công công không sử dụng được lu rung cho các lớp kết cấu, dẫn đến khả năng chưa đảm bảo độ chặt. Mặt khác, khi có yêu cầu thông xe ngay sau khi thi công đường lúc bê tông nhựa chưa đủ thời gian để liên kết chắc chắn, làm xuất hiện vệt hằn bánh xe ngay sau khi thông xe và phát triển nhanh.

“Còn một mét đường hằn lún thì cũng phải khắc phục tới cùng” ảnh 2Nhà thầu tiến hành trải thảm bê tộng nhựa và lu lèn bề mặt đường. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hơn nữa, một số đoạn tuyến lưu lượng và tải trọng xe quá lớn, tập trung ở các khu công nghiệp như tuyến tránh Kỳ Anh (có nhiều mỏ đá cung cấp vật liệu cho công trường xây dựng khu công nghiệp Fomusa), các ngã ba, ngã tư do xe nặng di chuyển với tốc độ chậm, dừng, phanh... cùng với tác động do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao làm giảm tính ổn định của cấp phối bê tông nhựa.

Tại hội nghị, nhiều nhà thầu, Ban quản lý dự án và các chuyên gia cũng thẳng thắn đưa ra các chính kiến về hằn lún vệt bánh xe do tác động của môi trường nhiệt độ cao, thiết kế quy phạm, công tác bảo trì, chất lượng vật liệu lớp dưới, sử dụng nhựa hóa mềm thấp chất lượng không đồng đều…

Khẳng định không nên quy chụp cho một nguyên nhân nào đó và cần phải nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng phù hợp với từng dự án riêng, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 703 cho rằng, chiều dày mặt đường Việt Nam thấp hơn so với các nước khác. Mùa mưa, nước ngấm vào bê tông nhựa làm tăng độ ẩm, dưới tác động của xe quá tải dẫn đến móng đường cấp phối ở dưới bị giảm sút nhanh chóng, gây hư hỏng cục bộ chất lượng mặt đường có chỗ bị lún, chỗ không.

“Đặc biệt, một số nguồn cung cấp nhựa đường chưa tốt. Trên thị trường, nguồn cung cấp khi phê duyệt chỉ một công ty phân phối và việc quản lý như thế là hết sức máy móc. Nên chăng việc cần làm là kiểm soát đầu vào và nhập khẩu,” đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 703 kiến nghị.

Đường hỏng, chủ đầu tư tự bỏ tiền sửa

Là đơn vị tham gia thi công các gói thầu của dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đồng thời có cam kết bảo hành mặt đường 5 năm không hằn lún vệt bánh xe, ông Nguyễn Viết Hải, Tổng giám đốc Công ty Sơn Hải chia sẻ, khí hậu khắc nghiệt miền Trung nhiệt độ cao lên tới 40-41 độ, kết hợp hấp thụ nhiệt mặt đường, nhựa không đủ chặt kết hợp xe quá tải làm lún đường.

Đưa ra biện pháp thi công đối phó với thực trạng hằn lún mặt đường, ông Hải tiết lộ, Công ty đã thi công đạt được các tiêu chuẩn thiết kế, thậm chí chất lượng đá tại mỏ không đồng đều đã phải đưa về gia công cho nguồn vật liệu để có cấp phối đồng đều.

“Ngoài ra, thiết bị thảm dây chuyền bê tông nhựa tiên tiến chất lượng cao, lu lèn để làm độ chặt mặt nhựa đường cao hơn, công tác thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa với độ dẻo, độ rỗng, dư đạt tiêu chuẩn thiết kế đảm bảo chịu được nhiệt độ trên 85°C. Muốn phá đường, nhiệt độ phải vượt qua ngưỡng 85°C,” ông Hải cho hay.

Hiến kế về các giải pháp, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải cần phải thống kê lưu lượng xe đi bao nhiêu trên đường bởi cùng con số như nhau nếu đường hỏng thì sẽ rút ra được các tiêu chuẩn thiết kế khác nhau cho từng tuyến đường sau này. Thời gian bảo hành đường hiện là từ 3-5 năm nhưng sau đó đường hỏng thì sẽ quy trách nhiệm như thế nào?

Khẳng định Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp nhưng hằn lún bánh xe vẫn còn xảy ra cục bộ ở 1 số công trình gói thầu dự án, dải khắp vùng miền Việt Nam, ngay cả các dự án do Bộ làm chủ đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng nhìn nhận rằng, đường vừa đưa vào khai thác đã xuất hiện hằn lún trong thời gian ngắn thì yếu tố chủ quan nhiều hơn. Dưới tác động của thời tiết xe quá tải đẩy nhanh hằn lún hơn.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm soát các chủ thể tham gia thực hiện dự án ở tất cả các khâu như kiểm soát yếu tố đầu vào, thí nghiệm, thi công, hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, rà soát các đơn vị có tay nghề, đánh giá năng lực nhà thầu…

“Công tác thí nghiệm thiết kế bê tông nhựa phải hết sức kỹ lưỡng. Khi tìm ra được sơ đồ trộn, dải nhựa, thi công thì giống như kê được đơn thuốc, cứ uống đúng ngày sẽ tiến tới khỏi bệnh. Những đơn vị nào làm kém thì sẽ không được xem xét làm các dự án về sau. Nếu đường hỏng, chủ đầu tư, nhà thầu sẽ phải tự bỏ tiền ra khắc phụ đồng thời kéo dài thời gian bảo hành,” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành rà soát xếp hạng lại năng lực các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát, cố gắng trong năm nay đưa ra các loại kết cấu mặt đường của từng vùng miền dựa vào điều kiện và nguồn vật liệu khác nhau, tăng cường kiểm soát tải trọng xe…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục