'Con ngựa thành Troy' - Âm mưu của những người ủng hộ Brexit

Những người ủng hộ Brexit, vốn giận dữ vì chính phủ thất bại trong việc đưa Anh ra khỏi EU đúng thời hạn, đang tìm cách làm suy yếu Nghị viện châu Âu sau các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong tháng tới.
Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Anh tại thủ đô London ngày 3/4/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Anh tại thủ đô London ngày 3/4/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo AFP, những người ủng hộ Brexit, vốn giận dữ vì chính phủ thất bại trong việc đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) đúng thời hạn, đang tìm cách làm suy yếu Nghị viện châu Âu sau các cuộc bầu cử sẽ diễn ra tháng tới.

Họ gọi đây là chiến lược "Con ngựa thành Troy." "Con ngựa thành Troy" là một câu chuyện thần thoại Hy Lạp kể về một con ngựa gỗ khổng lồ rỗng bên trong mà Odysseus sử dụng để đưa quân của mình vào thành Troy nhằm đánh chiếm thành này từ bên trong.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh quan trọng của EU diễn ra tối 10/4 (giờ địa phương), nghị sĩ Mark Francois của đảng Bảo thủ đã nhắc tới câu chuyện thần thoại này khi phát biểu trong một hội nghị của những người ủng hộ Brexit: "Nếu chúng ta bị giữ lại EU, trái ngược với ý muốn mà chúng ta đã bày tỏ một cách dân chủ, bởi vì một số người tại EU hy vọng rằng chúng ta sẽ thay đổi suy nghĩ, thì họ sẽ phải hối hận vì điều đó. Chúng ta sẽ trở thành một 'con ngựa thành Troy' ngay trong lòng EU, và phá hủy toàn bộ nỗ lực của họ nhằm theo đuổi một chế độ mang tính liên bang rõ ràng hơn".

Ông Francois cảnh báo các nhà lãnh đạo EU, những người sẽ nhóm họp tại Brussels vào tối 10/4 để xem xét yêu cầu của chính phủ Anh về việc một lần nữa gia hạn Brexit, rằng "họ sẽ phải luôn nhớ tới tất cả những sự thật không lấy gì làm dễ chịu."

[Con đường Brexit: Khúc quanh đầy bất trắc]

Những sự thật không lấy gì làm dễ chịu này được nhắc tới lần đầu tiên trong một dòng tweet tối 5/4 của ông Jacob Rees-Mogg, lãnh đạo những người cánh hữu "nổi loạn" trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May.

Ngay sau khi bà May yêu cầu Brussels lùi thời hạn để Anh ra khỏi EU, Rees-Mogg đã viết trên trang Twitter: "Nếu việc kéo dài thời hạn khiến chúng ta bị mắc kẹt trong EU thì chúng ta sẽ khiến sự việc trở nên nan giải nhất có thể."

Nếu các nhà lãnh đạo EU chấp thuận đề nghị của bà May thì nước Anh sẽ bị đặt vào tình thế trái khoáy vì phải tham gia các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, dự kiến diễn ra ngày 23/5 tới.

Ông Rees-Mogg nói rằng Anh nên tận dụng tối đa tình thế này bằng cách phủ quyết "việc tăng ngân sách (của EU), gây cản trở cho lực lượng được coi là quân đội của EU và ngăn chặn âm mưu sáp nhập của ông Macron (Tổng thống Pháp)."

Đáp lại dòng tweet của ông Rees-Mogg, ông Guy Verhofstadt -người điều phối vấn đề Brexit của Nghị viện châu Âu - viết: "Gửi những người ở EU có thể bị hấp dẫn bởi việc gia hạn thêm cho Brexit, tôi chỉ có thể nói rằng, hãy cẩn thận với những gì các bạn mong muốn."

Ông Francois bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh bình luận này của ông Verhofstadt. Rees-Mogg và Francois đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit mà bà May phải bỏ nhiều nỗ lực để đạt được với EU trong cả ba lần được đưa ra bỏ phiếu.

Họ đánh giá thỏa thuận này khiến nước Anh vẫn còn gắn bó quá chặt chẽ với EU. Lần cuối cùng thỏa thuận của bà May được đem ra bỏ phiếu, chỉ có 26 trong tổng số 314 thành viên đảng Bảo thủ tại Quốc hội ủng hộ ông Rees-Mogg và Francois.

Bà May hy vọng rằng con số này sẽ còn giảm xuống nhiều hơn nữa khi thỏa thuận của bà được thông qua trong cuộc bỏ phiếu lần thứ 4.

Nếu thỏa thuận của bà May được thông qua nhanh chóng, nước Anh có thể sẽ không phải "lấp đầy" 73 ghế của nước này trong Nghị viện mới của châu Âu, sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 7 tới.

Dù trong trường hợp nào, một vài trong tổng số 73 ghế này vẫn được phân bổ lại. Tuy nhiên, sự tức giận của đảng Bảo thủ đối với bà May dường như đang tăng lên, trong bối cảnh nhiều khả năng hạn chót của Brexit sẽ bị đẩy lùi xa hơn nữa.

Ngày 9/4, 97 nghị sỹ đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu chống lại việc hoãn Brexit tới ngày 30/6 - một biện pháp nhằm mục đích ngăn chặn viễn cảnh Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn được thông qua với tỷ lệ 420 phiếu thuận và 110 phiếu chống.

Những nhân vật kỳ cựu chống lại EU, ví dụ như Nigel Farage - một đại diện cho chiến dịch ủng hộ Brexit, từng đứng đầu nhóm UKIP theo chủ nghĩa dân tộc - hy vọng rằng làn sóng chống đối sẽ giúp Đảng Brexit mới của ông thắng lớn tại châu Âu.

Trong một đoạn video gửi đi thông điệp tranh cử, Farage nói: "Nếu chúng ta phải tham gia cuộc bầu cử châu Âu vào ngày 23/5, chúng ta sẽ tham gia bởi vì đã đến lúc chúng ta dạy cho họ một bài học."

Và, thậm chí những người không tham gia tranh cử cũng tỏ ra hứng thú với ý tưởng Anh sẽ gây rắc rối cho Nghị viện châu Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục