Còn nhiều "rào cản" trong việc dạy ngoại ngữ

Bất cứ học sinh nào cũng ý thức được ngoại ngữ là "công cụ hội nhập", nhưng hiện có quá nhiều "rào cản" trong dạy và học môn này.
Chương trình học không đồng nhất, sĩ số lớp học đông, tình trạng đọc-chép khi học ngoại ngữ vẫn tồn tại... là một trong những nguyên nhân “truyền thống” khiến học sinh phổ thông chưa thể làm chủ được một trong những “công cụ hội nhập” là ngoại ngữ...

Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Việt Đức-Hà Nội, Nguyễn Quốc Bình khẳng định, thực trạng phương pháp giảng dạy ngoại ngữ hiện nay còn hạn chế.

Ông Bình bày tỏ: “Việc giảng dạy còn chưa tiếp cận hết phương pháp hiện đại. Cách giảng dạy còn thiên về ngữ pháp. Những hoạt động về giao tiếp giúp phát triển khả năng nói của học sinh còn hạn chế. Cộng với đặc điểm của người Việt còn e dè, nhút nhát nên khả năng sử dụng ngoại ngữ của học sinh trong giao tiếp rất yếu”.

Trong năm học này, ngoài dạy tiếng Anh là ngoại ngữ 1 theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường trung học phổ thông Việt Đức tăng cường số tiết môn tiếng Đức (từ 4 tiết lên 6 tiết/tuần), đây được xem là ngoại ngữ 2 của trường và do giáo viên người Đức dạy.

Ngoài ra, nhà trường triển khai dạy tiếng Nhật 2 tiết/tuần cho những học sinh có nguyện vọng học (từ lớp 10). Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, trường còn có thêm chương trình Cambridge cho 3 thứ tiếng: Anh, Đức, Nhật.

Với tiếng Đức thì 100% là giáo viên người Đức, còn tiếng Anh, Nhật thì một nửa giáo viên người Việt và một nửa giáo viên nước ngoài. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình: “Học ở nhà trường đạt trình độ đi du học là rất hiếm. Một phần các em đạt điểm đi du học đều phải đi học thêm ở trung tâm ngoại ngữ. Nếu học trong trường thôi, mức độ tự tin trong giao tiếp không lớn… chỉ trên dưới 50%. Nếu hoàn thành chương trình tiếng Đức trong nhà trường, các em mới chỉ đang ở trình độ thấp”.

Là người đã từng giảng dạy ngoại ngữ nhiều năm tại trường trung học phổ thông Việt Đức, Phó hiệu trưởng Nguyễn Bội Quỳnh chia sẻ: “Khó khăn đầu tiên là cách học ở các cấp khác nhau. Ở trung học cơ sở, cách dạy gần như giảng dạy ngữ pháp, học thụ động, học những từ đơn lẻ. Học sinh đọc và ghi nghĩa về nhà học. Từ đó lại không nằm trong câu nên vẫn là từ “chết”.

Phó hiệu trưởng Nguyễn Bội Quỳnh cũng cho biết, học sinh không cần học quá nhiều từ, mà phải biết cách lắp từ trong câu, hiểu cấu trúc câu, như thế mới dễ nhớ, dễ hiểu. Hạn chế nữa là việc thi ở Việt Nam chỉ là thi viết, cái đích đạt của học sinh chỉ là điểm cao. Vì vậy, kỹ năng nghe, nói hạn chế. Tiếp đó là lớp học quá đông, nếu tiết học 45 phút, thì không thể “quay” được tất cả học sinh trong lớp. Nếu thầy cô nào giỏi, dạy khoa học, cũng chỉ có thể để khoảng 20 học sinh nói.

Ở bậc tiểu học, giáo viên ngoại ngữ cũng gặp những khó khăn riêng. Giáo viên Hoàng Hồng Hạnh, Trưởng bộ môn tiếng Anh, trường tiểu học Cát Linh, Hà Nội, cho biết: “Hiện nay có nhiều giáo trình ngoại ngữ cho bậc tiểu học là một khó khăn. Ngoài giáo trình của Bộ, học sinh trong trường còn học thêm giáo trình Let’s go. Khó khăn nữa là sĩ số học sinh đông khiến cho việc dạy còn vất vả”.

Tự tin hơn với lớp học sinh tại trường, cô Lê Thị Oanh, Phó hiệu trưởng trường Hà Nội-Amsterdam cho biết: “Ngay từ khi tuyển sinh vào lớp 6, chúng tôi đã có những khâu tuyển kỹ, từ 2.000 em để chọn 200 em. Vì vậy, khả năng tự tin, khả năng thuyết trình trước đám đông không phải là rào cản của học sinh trong việc tiếp cận ngoại ngữ”.

Cũng theo bà Oanh, trường trung học phổ thông Hà Nội Amsterdam là một trong những trường đi đầu trong việc dạy và học ngoại ngữ, khoảng 35-40% học sinh của trường có thể đáp ứng được trình độ dự bị đại học ở nước ngoài. “Nếu được luyện tập kỹ, các em có thể đạt trình độ để đi du học” – bà Oanh khẳng định./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục