Nạn ung thư ở Trung Quốc

Con sông màu lục và “làng ung thư” ở Trung Quốc

Thực trạng môi trường ở Trung Quốc đang ngày càng trở nên bi đát khi phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Theo mạng tin Mainichi, bên cạnh tình trạng ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Tháng 2/3013, Bộ Bảo vệ môi trường của Trung Quốc đã thừa nhận sự tồn tại của các “làng ung thư” mà ở đó nhiều người đã phát bệnh ung thư do uống phải nước giếng chứa chất hữu cơ độc hại. Truyền thông Trung Quốc cho biết có đến hơn 200 ngôi làng ung thư trên cả nước.

Trong khi đối sách ứng phó với tình trạng ô nhiễm môi trường được đưa ra bàn bạc tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc nhưng chính quyền địa phương ở nước này làm ngơ với tình trạng ô nhiễm nguồn nước mà chỉ đặt ưu tiên cho phát triển kinh tế. Thực trạng môi trường ở Trung Quốc đang ngày càng trở nên bi đát.

Tại huyện Nhẫm Bình, tỉnh Sơn Đông, một người lao động nhập cư đi dọc bờ sông bị nhiễm thứ nước bẩn có màu xanh lục cho biết, “một lãnh đạo chính quyền địa phương ở đây từng thốt ra câu nói ‘để đời’ rằng ‘thà chết vì chất độc còn hơn là chết vì đói'".

Các chất thải từ nhà máy luyện kim như tinh luyện nhôm đã gây ô nhiễm nguồn nước ngầm trong khu vực. Thậm chí có người còn cho biết gia súc ở ngôi làng bên cạnh uống phải thứ nước độc hại này đã bị vô sinh.

Tại làng Ổ Lý nằm ở ngoại ô thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, hơn 80% nguyên nhân tử vong của người dân trong làng là do “ung thư”. Gần làng Ổ Lý có tới 26 nhà máy, trong đó có nhà máy thuốc nông nghiệp, ngày đêm xả nước thải ra sông.

Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận sự tồn tại của các “làng ung thư” nhưng chính quyền địa phương lại không có ý định công khai thực trạng này nhằm tránh gây hoang mang cho người dân sống xung quanh các nhà máy.

Bà Diêu Phụng Anh, 68 tuổi, vừa rửa rau bằng nước máy trong bếp vừa chỉ về phía hàng xóm nói: “Chủ nhà đó mới 50 tuổi đã chết vì bệnh ung thư. Nhà bên kia cũng thế.” Bản thân bà Diêu cũng mắc ung thư tử cung 10 năm trước. Bà chia sẻ: “Tôi đã từng rửa rau bằng nước giếng lấy ở gần nhà máy. Nguồn nước bây giờ đã ô nhiễm hết cả rồi.”

10 năm trước, hàng trăm hộ gia đình ở trong làng đã được lắp đặt nước máy. Nhưng trước khi nước máy về làng, người dân trong thôn vẫn buộc phải sinh hoạt bằng nước giếng ô nhiễm. Tuy có thiết bị xử lý nước sạch nhưng nhà máy hóa chất kia hầu như không cho vận hành bao giờ vì lo ngại chi phí xử lý nước thải gia tăng.

Kết quả điều tra nước thải từ nhà máy cho thấy hàm lượng chất hữu cơ trong nguồn nước sinh hoạt của người dân vượt quá 250 lần tiêu chuẩn cho phép. Nhà chức trách địa phương đã ban bố lệnh đình chỉ sản xuất đối với các nhà máy vi phạm luật bảo vệ môi trường nhưng một bộ phận sản xuất vẫn hoạt động.

Làng Đới, thành phố Lạc Bình, tỉnh Giang Tây với 4.600 nhân khẩu cũng ở trong tình trạng tương tự. Thành phố Đức Hưng gần đó có một nhà máy luyện kim và sản xuất đồng. Nhà máy này đã thải nước bẩn ra con sông chảy qua thành phố khiến số người mắc bệnh ung thư trong làng tăng vọt.

Ông Kim Tuyền, Bí thư Chi bộ làng Đới, cho biết: “Vì ở làng chỉ có một phòng khám duy nhất nên thường bệnh nhân ung thư chỉ phát hiện ra bệnh khi đã ở vào giai đoạn cuối”./.

Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục