"Cơn tam bành" của Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp đến?

Chúng ta chưa từng chứng kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi "cơn tam bành", song có thể điều đó sẽ sớm xảy ra khi khả năng thể hiện quyền lực của ông ngày càng bị thu hẹp.
"Cơn tam bành" của Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp đến? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Cleveland, bang Ohio ngày 5/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng Project-syndicate.org, vấn đề quan tâm hiện nay trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump là câu hỏi liệu một vị tổng thống cực đoan có thể thực hiện được một chương trình chính sách cực đoan đi ngược lại mong mỏi của đa số người dân Mỹ hay không.

Cho đến thời điểm này, câu trả lời là không và cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua khiến câu trả lời nghiêng về không hơn nữa.

Tuy nhiên, sự bất bình gia tăng của Trump có thể đẩy ông đến nguy cơ cực đoan trong lối suy nghĩ của mình, gây ra những hậu quả tiềm ẩn nhiều đau đớn đối với nền dân chủ Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Không có ý tưởng chính sách cực đoan nào của Trump nhận được sự ủng hộ của người dân. Ví dụ, người dân phản đối việc cắt giảm thuế doanh nghiệp do đảng Cộng hòa ủng hộ năm ngoái hoặc đề xuất của Trump nhằm dựng một bức tường dọc biên giới với Mexico…

Lâu nay, Trump cố gắng thực hiện chương trình nghị sự quyết liệt của mình bằng cách sử dụng 3 chiến thuật. Thứ nhất là dựa vào lợi thế đa số của đảng Cộng hòa ở cả hai viện Quốc hội để thông qua dự luật bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của người dân.

Chiến thuật này đã thành công với việc thông qua luật cắt giảm thuế doanh nghiệp, song lại thất bại với nỗ lực hủy bỏ dự luật chăm sóc sức khỏe thời Obama.

Chiến thuật thứ hai là sử dụng các lệnh hành pháp nhằm hạn chế quyền lực của Quốc hội. Chiến thuật thứ ba là tập hợp ý kiến của người dân ủng hộ mình.

Thế nhưng, bất chấp các cuộc “tập hợp lực lượng” diễn ra thường xuyên, hoặc có lẽ chính vì các cuộc míttinh kiểu gây bất hòa của chúng, mà tỷ lệ bất tín nhiệm của Trump lại cao hơn tỷ lệ tín nhiệm kể từ những ngày đầu nắm quyền.

Hiện tỷ lệ bất tín nhiệm của Trump là 54% so với tỷ lệ tín nhiệm là 40%.

[Tự đánh giá, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho mình mức điểm cao nhất]

Khi phe Cộng hòa không còn kiểm soát Hạ viện, Trump sẽ không thể thông qua bất kỳ dự luật nào gây bất bình. Chỉ có những chính sách nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng sẽ có cơ hội được thông qua ở cả hai viện.

Về kinh tế, các chính sách thương mại của Trump sẽ vấp phải trở ngại hơn trong những tháng tới đây khi nền kinh tế Mỹ hạ nhiệt từ “cơn sốt sản xuất” do cắt giảm thuế doanh nghiệp, cùng với đó là tình trạng bất ổn gia tăng về chính sách thương mại toàn cầu làm kiệt quệ luồng vốn đầu tư kinh doanh, thâm hụt ngân sách và lãi suất tăng.

Thế nên, cách giải thích giả dối của Trump khi biện minh rằng các chính sách của mình là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia sẽ bị thách thức về mặt chính trị và có lẽ cả ở tòa án.

Đúng là Trump sẽ có thể tiếp tục bổ nhiệm các thẩm phán liên bang bảo thủ và đa phần là giành được sự thông qua của Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát.

Về những vấn đề chiến tranh và hòa bình, Trump sẽ hành động mà không chịu sự kiểm soát của Quốc hội hoặc người dân, một điểm hạn chế của hệ thống chính trị Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Vì vậy, giống như những người tiền nhiệm, Trump sẽ chắc chắn để cho Mỹ tiếp tục sa lầy trong các cuộc chiến ở Trung Đông và châu Phi bất chấp việc người dân không ủng hộ và không hiểu mục đích của các cuộc chiến này là gì.

Mặc dù vậy, có 3 lý do để tin rằng quyền lực của Trump sẽ suy yếu đáng kể trong những tháng tới đây.

Thứ nhất, công tố viên đặc biệt Robert Mueller có thể thu thập bằng chứng về những sai phạm của Trump, cũng như của thành viên gia đình Trump và các cố vấn thân cận của ông.

Thứ hai, phe Dân chủ sẽ bắt đầu điều tra vấn đề đóng thuế của Trump cũng như các thỏa thuận kinh doanh cá nhân. Quá trình điều tra này có thể gồm biện pháp trát đòi hầu tòa để điều trần tại Quốc hội (liên quan sai phạm của Trump).

Đã có những lý do chắc chắn để tin rằng Trump đã trốn thuế (như tờ New York Times gần đây khui ra) và làm giàu một cách bất chính cho gia đình mình dựa trên quyền lực tổng thống.

Có khả năng Trump sẽ phớt lờ những cáo buộc này hoặc chống lại trát đòi hầu tòa, tạo cơ sở kích hoạt một cuộc khủng hoảng chính trị to lớn.

Thứ ba, và quan trọng nhất, là việc Trump không chỉ đơn thuần là một chính trị gia theo đường lối cực đoan. Ông còn mắc phải cái mà tác giả Ian Hughes gần đây gọi là “mất trí”, đầy thù hận, bệnh hoang tưởng, và chủ nghĩa cá nhân.

Theo hai nhà quan sát thân cận với Trump, khả năng kiểm soát tình hình của Trump “sẽ có thể tiếp tục thu hẹp” trong bối cảnh rào cản chính trị gia tăng, các cuộc điều tra về thuế và các thỏa thuận kinh doanh của Trump, những kết luận của Mueller và tình trạng phản đối chính trị gia tăng.

Những tháng tới có thể đặc biệt nguy hiểm đối với Mỹ và thế giới. Khi vị thế chính trị của Trump suy yếu kèm theo đó là những rào cản gia tăng, tình trạng không ổn định về tinh thần của Trump sẽ gây ra một mối đe dọa thậm chí lớn hơn hiện tại.

Trump có thể nổi cơn thịnh nộ, sa thải Mueller, và có thể cố gắng phát động một cuộc chiến hoặc đòi hỏi thực hiện quyền lực khẩn cấp để khôi phục uy quyền của mình.

Chúng ta chưa từng chứng kiến Trump nổi cơn tam bành, song có thể điều đó sẽ sớm xảy ra khi khả năng thể hiện quyền lực của ông ngày càng bị thu hẹp. Trong trường hợp đó, kết cục như thế nào sẽ phụ thuộc nhiều vào việc thực thi nội quy Hiến pháp của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục