Con tàu Vinalines đang nỗ lực để vượt qua “sóng cả”

Làm sao để “sửa chữa” lại con tàu này để có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, nhất là phục vụ chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2030 đã nhận được không ít ý kiến từ các chuyên gia.

Nhiều giải pháp bước đầu đã được triển khai, nhưng xem ra Vinalines muốn vượt qua được khó khăn hiện tại vẫn cần phải có “gió Đông.”
Trong một vài năm qua, câu chuyện về Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) luôn là vấn đề “nóng” được bàn thảo tại nhiều hội nghị lớn, nhỏ. Làm sao để “sửa chữa” lại con tàu này để có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, nhất là phục vụ chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2030 đã nhận được không ít ý kiến từ các chuyên gia.

Nhiều giải pháp bước đầu đã được triển khai, nhưng xem ra Vinalines muốn vượt qua được khó khăn hiện tại vẫn cần phải có “gió Đông.”

Vẫn nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng Giám đốc Vinalines, khó khăn khách quan lớn nhất, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong thời gian qua chính là sự suy giảm đột ngột và kéo dài của thị trường vận tải biển từ nửa cuối năm 2008 đến nay. Giá cước đã giảm mạnh từ gần 14.000 điểm (tháng 7/2008) xuống còn gần 800 điểm vào cuối 2008 và duy trì mức thấp này trong suốt những năm qua.

Trong khi đó, chí phí đầu vào như nhiên liệu, chi phí lãi vay, chi phí sửa chữa, nhân công luôn ở mức cao. Có những thời điểm, Tổng công ty đã phải chấp nhận mức lãi suất 20%/năm để đảm bảo nguồn vốn lưu thông, duy trì hoạt động của đội tàu.

Đánh giá về những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinalines trong thời gian qua, nhất là từ năm 2009 đến nay, nhiều chuyên gia cùng có chung nhận định bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan thì chủ yếu bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan. Tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp thế giới và các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam.

Ngoài ra, tình hình thời tiết không thuận lợi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận chuyển nguyên liệu thô từ nhiều nước cung cấp chủ chốt như Australia, Brazil và Colombia. Nạn cướp biển gia tăng, bất ổn chính trị, xung đột phe phái tại các nước khu vực Arập, Địa Trung Hải... đã ảnh hưởng xấu tới tình hình thị trường vận tải biển. Những nguyên nhân khách quan trên đã dẫn tới đội tàu vận tải biển hoạt động không hiệu quả do giá cước đang duy trì ở mức thấp trong khi chi phí ngày càng cao.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, các chuyên gia cũng cho rằng công tác dự báo thị trường của các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam cũng chưa tốt. Đầu tư trong giai đoạn nóng, khi thị trường tụt dốc, chưa chủ động xây dựng được kế hoạch ứng phó với suy thoái, dẫn tới nhiều doanh nghiệp đã không kịp cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại tài sản để giảm áp lực trả nợ, bảo toàn vốn.

Nỗ lực vượt “sóng cả”

Trên cơ sở dự báo nền kinh tế thế giới cũng như thị trường vận tải biển quốc tế vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán, thanh lý những tàu cũ, không hiệu quả để cắt lỗ, giảm lỗ và tạo nguồn vốn đối ứng thực hiện các dự án đầu tư tàu khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.

Ông Nguyễn Hữu Long, Phó Tổng giám đốc Vinalines cho biết dự báo thị trường vận tải container, thị trường vận chuyển dầu sản phẩm có khả năng phục hồi sớm hơn thị trường vận tải hàng khô, Tổng công ty đang ưu tiên phát triển đội tàu container và đội tàu chở dầu sản phẩm cỡ vừa (gam MR), đồng thời, Tổng công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư thêm các tàu hàng khô trên cơ sở xem xét hiệu quả của từng dự án cụ thể.

Cùng với việc cơ cấu lại đội tàu, Vinalines đang tập trung năng lực, kinh nghiệm cũng như quan hệ khai thác của tất cả các công ty thành viên, cùng khai thác đội tàu hàng rời; giảm bớt số lượng chủ tàu, phân chia thị trường và kích cỡ tàu để tránh chồng chéo và cạnh tranh lẫn nhau trong Tổng công ty.

Trong giai đoạn 2013-2015, Vinalines sẽ duy trì khoảng 3 công ty kinh doanh vận tải container hiện có khai thác các tuyến feeder với đội tàu có sức chở từ 400 TEU đến 1.800 TEU; triển khai mua chỗ trên một số tuyến từ các hãng tàu mẹ để bước đầu tạo dựng chỗ đứng và thương hiệu Tổng công ty trên thế giới. Trong giai đoạn tiếp theo (2016-2020), Tổng công ty sẽ tiếp tục củng cố và phát triển một công ty khai thác container hiện có để chuẩn bị hình thành công ty vận tải container khai thác tàu mẹ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, Vinalines hiện đang triển khai việc tái cơ cấu lại tài chính, trong đó tập trung cơ cấu triệt để các khoản nợ vay đầu tư đội tàu, cảng biển liên doanh với nước ngoài; bán những tài sản, con tàu hoạt động thua lỗ nhiều năm, không có khả năng trả nợ; cơ cấu các khoản phải góp vốn đầu tư cho các dự án liên doanh với nước ngoài; tiến hành phá sản các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán, thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp...

Vinalines cũng tăng cường vấn đề quản trị tài chính tại các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty, nâng cao năng lực và minh bạch hóa theo các chuẩn mực quản trị hiện đại đang được áp dụng thông qua việc đẩy mạnh niêm yết đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, hoặc sẽ được cổ phần hóa trong thời gian tới; tổ chức xây dựng lại hệ thống giám sát tài chính từ công ty mẹ đến các doanh nghiệp có vốn góp nhằm ngăn ngừa, phát hiện kịp thời những sai phạm tài chính.

Ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc của Vinalines cho biết thêm hiện Tổng công ty đang tập trung vào tái cơ cấu lại các cảng biển và dịch vụ cảng biển nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng lợi nhuận từ khối dịch vụ cảng biển.

Trong năm 2013, Vinalines hoàn thành cổ phần hóa 5 doanh nghiệp là cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng và tiếp tục hoàn thành cổ phần những đơn vị đã thực hiện từ những năm trước. Ngay trong tháng 8/2013 này, Tổng công ty sẽ tập trung hoàn thành xong việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Khuyến Lương và Vinalines Nha Trang.

Theo dự báo, tình hình vận tải biển thế giới vẫn đang khủng hoảng và chỉ phục hồi dần vào đầu năm 2014 với chỉ số BDI (chỉ số tổng hợp về giá cước tàu hàng khô) dự kiến dao động quanh mức 1.500-2.500 điểm. Do vậy, Vinalines đã chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tiếp tục bám sát diễn biến thị trường để đưa ra những chiến lược kinh doanh hợp lý để từng bước tạo sự ổn định trong lĩnh vực vận tải biển./.

HN (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục