Con trai của John Lennon thôi oán giận cha

Julian Lennon, con trai của cựu thành viên The Beatles đã quá cố John Lennon, vừa trải qua một thời gian dày công thu thập các kỷ vật về người cha của mình để tiến hành cuộc triển lãm mới về ông mang tên "White Feather: The Spirit of Lennon".

Julian Lennon, con trai của cựu thành viên The Beatles đã quá cố John Lennon, vừa trải qua một thời gian dày công thu thập các kỷ vật về người cha của mình để tiến hành cuộc triển lãm mới về ông mang tên "White Feather: The Spirit of Lennon".

Nhân dịp cuộc triển lãm này vừa được khai mạc hôm 17/6 tại Liverpool (Anh), Julian Lennon nói rằng quá trình thu thập các kỷ vật này đã giúp anh rũ bỏ được cảm giác cay đắng về người cha của mình.

Mọi sự thù ghét đều tiêu tan

Năm 1968, John Lennon từ bỏ người vợ đầu của mình là Cynthia Powell cùng đứa con 5 tuổi là Julian vì hồi ấy ông đã bắt đầu có quan hệ với nữ nghệ sĩ Nhật Bản Yoko Ono, người sau đó đã kết hôn với ông (năm 1969, có con chung là Sean Lennon).

Sống cùng mẹ, thời còn nhỏ Julian Lennon hầu như không hề có liên lạc gì với người cha. Phải mãi tới giữa những năm 1970 mối quan hệ giữa cha con họ mới được gây dựng lại và đến năm 1980 khi hai cha con bắt đầu gần gũi nhau hơn thì John Lennon bị một người hâm mộ sát hại. Lúc đó Julian 17 tuổi.

Thiếu vắng hẳn tình cảm và hình bóng của người cha cả thời niên thiếu, có nhiều lúc Julian oán giận cha vì đã bỏ mặc mình, nhưng giờ thì đã khác. “Tôi nhận thấy rằng lòng hận thù chỉ làm tốn thời gian và sinh lực. Tốt hơn hết là ta hãy truyền sinh lực của mình vào những điều tốt đẹp và tích cực”, Julian bộc bạch.

Quá trình chuẩn bị cho triển lãm đã giúp Julian “ngộ” ra được nhiều điều. Anh nhận thấy dù có thế nào thì giữa cha con anh cũng có sự gắn kết máu mủ, có một sợi dây tình cảm.

Qua triển lãm, Julian muốn thể hiện rõ điều đó: “Triển lãm cho thấy tôi vẫn yêu Lennon và ban nhạc The Beatles. Hy vọng rằng chúng tôi mang đến cho người hâm mộ một khía cạnh khác về cuộc đời của Lennon trong những năm đầu tiên sống với mẹ con tôi, chặng đường đi tới danh tiếng của ông và khi đã trở thành người nổi tiếng”.

Biết ơn chú Paul McCartney

Tâm điểm của cuộc triển lãm là bản gốc của nhạc phẩm "Hey Jude" được viết bằng bút chì. Ca khúc từng chiếm vị trí đầu trong bảng xếp hạng hồi năm 1968 này do Paul McCartney viết trong ôtô khi ông trên đường tới gặp hai mẹ con Julian tại nhà riêng. Ban đầu ca khúc này mang tựa đề "Hey Jude McCartney" nhưng sau đó rút ngắn thành "Hey Jude". Cho đến giờ Julian vẫn biết ơn chú Paul đã dành tình yêu cho mình khi anh còn nhỏ.

“Hồi ấy mẹ nói với tôi rằng ca từ bài hát "Hey Jude" là viết cho tôi, nhưng do còn bé nên tôi quên mất. Khi bước vào tuổi vị thành niên, tôi được mẹ kể lại câu chuyện đó. Phải nói rằng tuy hồi ấy bài hát không trực tiếp dung hòa được mối quan hệ giữa cha con tôi, nhưng đối với tôi phần ca từ rất có ý nghĩa vì nó giúp tôi hiểu được rằng trong cuộc đời vẫn còn có nhiều người khác dành tình yêu thương cho mẹ con tôi. Cho đến giờ, tôi vẫn biết ơn chú Paul vì tình yêu và sự chăm sóc của chú. Đây là một nghĩa cử mà tôi sẽ không bao giờ quên”.

Chính vì ca khúc này có ý nghĩa đặc biệt với Julian, nên anh đã mua lại bản gốc nhạc phẩm với giá 25.000 bảng tại một cuộc đấu giá hồi năm 1996.

Nhận được thông điệp từ người cha?


Tuy bị cha bỏ mặc trong một thời gian dài nhưng Julian không quên những ký ức về cha và những kỷ vật mà cha đã dành tặng cho mình, chẳng hạn như chiếc xe đạp mini mà Lennon mua tặng anh và cây đàn guitar điện tử với dòng chữ: “Món quà cho Julian từ cha, White Feather Giáng sinh năm 1973”. Tất cả đều được trưng bày trong triển lãm.

Julian giải thích rằng sở dĩ anh đặt tên cho triển lãm là "White Feather: The Spirit of Lennon" (“Chiếc lông trắng – Tinh thần của Lennon) là bởi nó gợi nhớ đến một cuộc đối thoại đáng nhớ giữa cha con anh. Một lần cha anh nói rằng nếu ông chết và sang thế giới bên kia thì ông sẽ gửi cho anh một chiếc lông trắng làm dấu hiệu rằng ông đã bình an ở cõi âm.

Không biết điều đó có trở thành sự thật không nhưng “cách đây 11 năm khi tôi lưu diễn ở Australia có một bộ lạc thổ dân tới và đưa cho tôi một chiếc lông trắng rồi đề nghị tôi giúp họ. Thật khó giải thích liệu đó có phải là thông điệp của cha tôi hay không nhưng sự việc đó đã tạo động lực cho tôi làm điều gì đó mang tính tích cực và đối với tôi đó là điều quan trọng nhất”.

Cầm chiếc lông trắng đó trở về nhà và một thời gian sau Julian xúc tiến làm bộ phim tài liệu về bộ lạc này, trong quá trình đó anh đã thành lập tổ chức White Feather nhằm hỗ trợ các bộ lạc thổ dân./.

(TT&VH/Vietnam+)


Tin cùng chuyên mục