Con vào phòng thi, mẹ ngồi ngoài cầu "trúng tủ"

7 giờ sáng thí sinh vào phòng thi, bên ngoài, phụ huynh bắt đầu quãng thời gian chờ đợi thắc thỏm, có người còn cầu cho con "trúng tủ."
7 giờ, khi thí sinh bước vào phòng thi thì ở bên ngoài, các phụ huynh cũng bắt đầu quãng thời gian chờ đợi thắc thỏm.

Bà Lê Thị Thúy, một phụ huynh nói rằng con bà khá kém môn này vì mải dồn sức cho khối A để thi đại học. Do đó, cậu phải thức khuya dậy sớm miệt mài mấy hôm nay.

“Cầu trời cho nó ‘trúng tủ’, để buổi thi đầu tiên diễn ra suôn sẻ,” bà Thúy nói với các phụ huynh.

Còn một bà mẹ khác, dù có cô con gái học lớp chọn, nhưng vẫn khá lo lắng. Bà Vũ Thị Chín (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, nỗi lo của bà không phải sợ con mình thi trượt mà bởi nếu em Trần Hà Giang thi không tốt, sẽ ảnh hưởng nhiều tới tâm lý trước khi bước vào kỳ thi đại học sắp tới.

Cho dù đứa con gái nằng nặc đòi tự đạp xe đến điểm thi, nhưng bà Trịnh Thị Thanh vẫn quyết định đóng cửa hàng tạp hóa để đưa con đến trường.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, bà cho hay cả đời con có vài cuộc thi lớn. Trong đó, có thể coi thi tốt nghiệp phổ thông là một kỳ thi bản lề của tương lai. Vì vậy gia đình bà đã đồng ý “cắt cử” nhau đưa đón cô con gái rượu đi thi. Phần vì để cô bé đỡ tốn sức, phần cũng bởi tạo đà tâm lý tốt cho con.

Vì là mẹ, hiểu tâm lý của con hơn nên bà Thanh đưa đón con buổi đầu tiên. Đưa con đến trường, bà Thanh phải đóng cửa hàng tạp hóa đang bán khá chạy nhưng “không sao, hàng không bán hôm nay thì ngày mai bán. Chứ con mà ốm thì mai ai đi thi,” bà Thanh cười nói.

Để chuẩn bị cho buổi thi sáng nay, bà đã phải dậy từ 4 giờ sáng. Sau khi nấu cơm nước tinh tươm, bà đánh thức cô con gái dậy, ăn sáng và 5 giờ 30 thì bắt đầu lên xe đến điểm thi dù nhà bà ở Ngọc Hồi, cách điểm thi là trường Phổ thông trung học Ngô Thì Nhậm độ chừng 20 phút xe máy. Bà mẹ tâm lý này còn cố tình đi chậm, vừa đi vừa trò chuyện để đứa con bớt căng thẳng.

“Tôi đã bảo cháu, cứ bình tĩnh mà làm bài. Có mấy ai thi tốt nghiệp mà trượt đâu, nhất là khi cháu lại là học sinh khá nữa. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà chủ quan. Cứ bình tĩnh, tự tin, cẩn trọng là tốt nhất,” bà cho biết.

Khác với bà Thanh, ông Nguyễn Xuân Được là công nhân cho một công ty tư nhân trên địa bàn quận Hoàng Mai. Để được đưa con đi thi trong những ngày này, ông Được đã xin phép lãnh đạo của mình cho được đi làm vào giờ thất thường, chịu lương thấp.

Và thế là, sáng ra ông đưa con đi thi rồi đi làm. Sau đó, ông lại căn giờ cậu cử tương lai tan thi để đến đón con. Ông bảo, thôi mình chịu khó vất vả một tí, nhưng bảo đảm cho con đủ sức khỏe để hoàn thành tốt kỳ thi này.

Cũng theo ông Được, cậu con trai của ông khá tự tin vào sức học của mình trước việc thi cử. Bản thân ông cũng đã làm công tác tâm lý cho con khá kỹ lưỡng.

Tuy nói vậy với con, nhưng ở bên ngoài phòng thi, cảm chung của nhiều phụ huynh vẫn là khá hồi hộp, không biết đề thi môn văn trong buổi thi đầu tiên dễ hay khó. Người có con học giỏi văn đã đành, người có con học chuyên khối A thì vẻ mặt rất căng thẳng.

Vừa ngong ngóng nhìn cánh cổng trường đóng im ỉm, bà Lê Thị Hồng bảo, cậu con trai năm nay thi Đại học Ngoại thương, Hà Nội. Sức học khối A rất tốt nhưng văn thì "ù ù cạc cạc". Bà chỉ mong con được 5 điểm văn, đủ điểm đỗ để còn dồn sức cho cú "vượt vũ môn" quan trọng vào tháng 7 tới.

Không đông phụ huynh chờ con thi như các kỳ thi khác, tại cổng trường trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ chỉ có một nhóm phụ huynh khoảng 6-7 người đang đứng bàn tán và tỏ ra lo lắng cho con. Chị Nga, một phụ huynh có con là học sinh trường Phan Đình Phùng nói: “Con không học yếu môn văn nhưng đây là môn thi đầu, tôi nghĩ buổi thi môn này mà suôn sẻ thì ‘đầu xuôi đuôi sẽ lọt’ nên hơi căng thẳng.”

Một phụ huynh khác cũng chia sẻ: “Môn nào cũng lo cả. Nhưng qua được môn đầu sẽ đỡ hơn. Cháu nhà tôi sợ nhất môn văn vì bảo là học dài lắm!”/.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục