Công bố bộ tiêu chuẩn chất lượng chẩn đoán, điều trị đục thủy tinh thể

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức Hội nghị Hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn chất lượng chẩn đoán, điều trị đục thể thủy tinh và báo cáo kết quả đo lường chỉ số chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt.
Các bác sỹ phẫu thuật mắt. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)
Các bác sỹ phẫu thuật mắt. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, tổ chức Hội nghị Hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn chất lượng chẩn đoán, điều trị đục thể thủy tinh và báo cáo kết quả đo lường chỉ số chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt.

Phát biểu khai mạc, phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong thời gian qua, cùng với quan tâm đến chất lượng bệnh viện, Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh còn tập trung vào xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng.

Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chuẩn an toàn phẫu thuật; Bộ Tiêu chuẩn chất lượng đột quỵ não… và Bộ Tiêu chuẩn Hướng dẫn chẩn chất lượng về chẩn đoán, điều trị đục thủy tinh, Bộ chỉ số đo lường chất lượng khám và điều trị các bệnh mắt.

Đây là tài liệu áp dụng chung trên toàn quốc, giúp các đơn vị chăm sóc mắt áp dụng nhất quán các thực hành về quản lý chất lượng và sử dụng chung bộ tiêu chí, làm căn cứ để tiến tới việc kiểm định chất lượng lâm sàng tại Việt Nam.

Số liệu điều tra Đánh giá nhanh các nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng chống được trên quy mô toàn quốc năm 2000, năm 2007, năm 2015 cho thấy, tỷ lệ người mù cả hai mắt có giảm (từ 4,1% xuống còn 1,8%), trong đó nam (1,2%) và nữ (2,2%). Tỷ lệ thị lực kém toàn quốc là 11,4%.

Nguyên nhân gây mù chính là đục thể thủy tinh, chiếm tới 74%, nguyên nhân gây mù lòa do biến chứng sau phẫu thuật đục thể thủy tinh (4,6%). Phẫu thuật đục thể thủy tinh chung cả nước đạt 74% trong số đối tượng có thị lực <3/60 (mù lòa), tỷ lệ này cao hơn so với năm 2007 (67%) và năm 2000 (29%).

Đặc biệt chất lượng điều trị nói chung, trong đó điển hình là kết quả phẫu thuật đục thể thủy tinh chỉ đạt 60% người có thị lực tốt sau phẫu thuật và rất khác nhau giữa các khu vực, tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (80%).

Kết quả trên cho thấy, Việt Nam đã đầu tư nâng cao năng lực điều trị các bệnh về mắt cho các địa phương để thực hiện cải tiến chất lượng chăm sóc và điều trị các bệnh về mắt. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn.

[Khám miễn phí đối tượng nguy cơ mắc bệnh thiên đầu thống]

Nhắc lại một số vụ tai biến y khoa, trong đó có một số vụ liên quan đến chuyên ngành mắt như 4 bệnh nhân phẫu thuật đục thủy tinh thể, theo hình thức từ thiện miễn phí tại Bệnh viện Quận 10 đã tiến hành khởi kiện bệnh viện hay vụ việc nghi vấn đề chất lượng nhân thủy tinh thể xảy ra tại Bệnh viện Mắt Hà Nội năm 2013..., phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê đề nghị các bệnh viện thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phẫu thuật. Trong đó, khu vực tiền mê đóng vai trò quan trọng, trước khi lên bàn mổ các cán bộ y tế phải tạo tâm lý thoải mái nhất cho bệnh nhân.

Bác sỹ phẫu thuật giải thích rõ tình trạng bệnh cho người bệnh, xác định vị trí chính xác, phối hợp với bác sỹ, kỹ thuật viên gây mê tiên lượng thời gian phẫu thuật để tính toán lượng thuốc mê cho phù hợp. Sự phối hợp tốt giữa bệnh nhân-bác sỹ gây mê-bác sỹ phẫu thuật sẽ giúp đảm bảo an toàn toàn phẫu thuật, giảm tai biến y khoa.

Để nâng cao chất lượng phẫu thuật các bệnh lý về mắt nói chung và đặc biệt là phẫu thuật đục thể thủy tinh, thực hiện Quyết định số 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 7328/QĐ-BYT ngày 10/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chuẩn chất lượng về chẩn đoán, điều trị đục thủy tinh thể bao gồm Bộ chỉ số đánh giá kết quả phẫu thuật đục thể thủy tinh.

Với mục đích phổ biến triển khai rộng rãi các tiêu chuẩn chất lượng về chẩn đoán, điều trị đục thể thủy tinh và rà soát lại kết quả đo lường chỉ số chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt, tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo thực trạng bảo đảm chất lượng chẩn đoán, điều trị đục thể thủy tinh; kết quả triển khai đánh giá thực trạng bảo đảm chất lượng chẩn đoán, điều trị đục thể thủy tinh; hướng dẫn đánh giá “Bộ tiêu chuẩn chất lượng chẩn đoán và điều trị đục thủy tinh thể” (ban hành kèm theo Quyết định 7328/QĐ-BYT ngày 10/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

Đây là thành quả của quá trình hợp tác giữa Bộ Y tế và Tổ chức FHF, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Orbis và một số tổ chức phi chính phủ khác.

Bộ tiêu chuẩn chất lượng chẩn đoán, điều trị đục thủy tinh thể gồm 9 tiêu chuẩn quan trọng, trong đó có tiêu chuẩn: người bệnh đục thể thủy tinh được tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh lý và tiên lượng sau phẫu thuật; chăm sóc trước và sau phẫu thuật; người bệnh đục thể thủy tinh được phẫu thuật tại cơ sở y tế có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; người bệnh phẫu thuật đục thể thủy tinh được kiểm tra và xác nhận rõ mắt phẫu thuật, công suất thủy tinh thể nhân tạo được sử dụng, tư vấn, lựa chọn loại Thủy tinh thể nhân tạo…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục