Bệnh viện Nhi công bố ca phẫu thuật nang ống mật chủ thứ 1.000

Phẫu thuật nang ống mật chủ được ứng dụng tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2003. Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là người đầu tiên ở Việt Nam đã tiến hành phẫu thuật nội soi thường quy.
Bệnh viện Nhi công bố ca phẫu thuật nang ống mật chủ thứ 1.000 ảnh 1Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện ca phẫu thuật nang ống mật chủ thứ 1.000 cho bệnh nhân nhi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng 18/11, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức công bố công bố ca phẫu thuật nang ống mật chủ thứ 1.000.

Bệnh nhân được thực hiện ca phẫu thuật nang ống mật chủ thứ 1.000 tên là Đặng Trần Ngọc Huyền (26 tháng tuổi), ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Trước khi nhập viện, bệnh nhân thường xuyên bị đau bụng. Qua thăm khám, các bác sỹ thấy bệnh nhân có nang ống mật chủ với kích thước nang 4cm. Ca mổ đã diễn ra thành công.

Tiến sỹ Phạm Duy Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương kiêm Trưởng khoa Ngoại cho hay nang ống mật chủ là một bệnh lý ngoại nhi bẩm sinh thường gặp. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng ống mật chủ giãn thành hình thoi hoặc hình hình cầu mà không có sự bít tắc ở phần thấp ống mật chủ. Bệnh hay gặp ở các nước Châu Á (trong đó có Việt Nam); thường gặp ở trẻ nữ với tỉ lệ nữ/nam là 4/1.

[Mở rộng hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết từ Việt Nam sang một số nước]

Bệnh có biểu hiện với tam chứng kinh điển như đau bụng, vàng da, sờ thấy khối ở bụng. Bệnh nhân nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể có nhiều biến chứng xảy ra như viêm đường mật, viêm tụy, thủng nang, ác tính hóa... Tuy nhiên, hiện nay, nhờ sự phát triển của sàng lọc sơ sinh, bệnh ngày càng được phát hiện và điều trị sớm.

“Trước kia, mổ mở là phương pháp kinh điển, song kỹ thuật này lại tồn tại nhiều hạn chế như vết mổ dài thẩm mỹ xấu, sang chấn nhiều và hồi phục sau mổ chậm. Và, khi phẫu thuật nội soi ra đời đã đem lại cuộc cách mạng trong điều trị bệnh với nhiều ưu điểm vượt trội,” tiến sỹ Hiền cho hay.

Phẫu thuật này được ứng dụng tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2003. Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là người đầu tiên ở Việt Nam đã tiến hành phẫu thuật nội soi thường quy với các trường hợp trẻ bị nang ống mật chủ.

Sau quá trình dài thực hiện, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã có nhiều báo cáo trong và ngoài nước về kết quả vượt trội của phẫu thuật nội soi điều trị bệnh so với mổ mở quy ước như giảm đau và sang chấn, kết quả thẩm mỹ vượt trội (đặc biệt ưu điểm ở các trẻ nữ so với vết mổ mở dài trước kia), giảm các biến chứng trong và sau mổ.

Cùng với phương pháp phẫu thuật nội soi, các chuyên gia y tế của Khoa Ngoại (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã sáng tạo, cải tiến, ứng dụng công nghệ hiện đại để triển khai thêm kỹ thuật phẫu thuật nội soi Robot từ năm 2013 mang lại nhiều lựa chọn cho các cha mẹ bệnh nhi khi con em họ không may mắc bệnh lý nang ống mật chủ.

Ưu điểm của phẫu thuật nội soi Robot là tăng độ chính xác cho phẫu thuật, giảm sang chấn cho bệnh nhân, kết nối phẫu thuật từ xa tới các trung tâm trong và ngoài nước.

Các năm qua, nhiều bác sỹ trong và ngoài nước như (Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Hoa Kỳ,..) đã lựa chọn bệnh viện Nhi Trung ương là địa chỉ tin cậy để học tập phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý nang ống mật chủ.

Cũng trong sáng 18/11, Bệnh viện Nhi Trung ương đưa vào hoạt động phòng mổ tích hợp (Integrated OR) - OR1 mới gồm hệ thống điều khiển tích hợp.

Phòng mổ hiện đại này gồm toàn bộ thiết bị phẫu thuật, bao gồm thiết bị xử lý hình ảnh nội soi, bộ lưu trữ dữ liệu, và các thiết bị ngoại vi như bàn mổ, đèn mổ treo trần, dao điện cao tần đều được thiết kế, sắp đặt phù hợp với mọi nhu cầu sử dụng và có thể được điều khiển từ trạm làm việc đặt trong khu vực vô trùng hoặc ngoài khu vực vô trùng do điều dưỡng chạy ngoài hỗ trợ.

Giáo sư Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay việc đưa vào sử dụng hệ thống phòng mổ trên sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như chuẩn hóa quy trình phẫu thuật, tăng hiệu suất công việc. Bên cạnh đó, trong quá trình phẫu thuật việc trao đổi thông tin nhóm cũng tốt hơn đồng thời tối ưu hóa luồng công việc; giảm thiểu thời gian phẫu thuật, giảm thời gian chờ giữa các ca phẫu thuật.

Nhờ có ứng dụng của phòng mổ hiện đại này, dữ liệu của từng ca mổ được lưu trữ tại chỗ với hệ thống lưu trữ có độ bảo mật cao. Đặc biệt, với công nghệ hiện nay, khả năng lưu trữ dữ liệu sẽ được thực hiện ở cả hai loại định dạng hình ảnh 2D và 3D cũng như lưu trữ hình ảnh từ các nguồn thu khác nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục