Công bố hình ảnh màu chân thực về sao chổi 67P từ tàu Rosetta

Các nhà khoa học chịu trách nhiệm vận hành tàu thăm dò vũ trụ Rosetta vừa công bố "hình ảnh màu chân thực" đầu tiên về sao chổi 67P/Churyumov - Gerasimenko.
Công bố hình ảnh màu chân thực về sao chổi 67P từ tàu Rosetta ảnh 1Hình ảnh "màu sắc thật" của sao chổi 67P được thiết bị Osiris trên tàu Rosetta chụp mới được công bố. (Nguồn: DM)

Các nhà khoa học chịu trách nhiệm vận hành tàu thăm dò vũ trụ Rosetta vừa công bố "hình ảnh màu chân thực" đầu tiên về sao chổi 67P/Churyumov - Gerasimenko, ngôi sao chổi mà tàu thám hiểm Philae đã đổ bộ thành công hồi đầu tháng 11 vừa qua.

Thay vì có màu "đen như than đá" như Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) dự đoán, hình ảnh cho thấy sao chổi cổ xưa này có màu đỏ bụi.

Tính tới nay, tất cả những hình ảnh về sao chổi 67P được đưa ra trước công chúng đều được chụp từ máy ảnh Navcam của tàu Rosetta. Máy ảnh này chỉ cho ra được những hình ảnh có màu xám.

Tuy nhiên, hình ảnh mới nhất của sao chổi 67P được chụp với chất lượng như tận mắt nhìn thấy. Bức hình này sẽ xuất hiện tại hội nghị của Liên minh Địa Vật lý Hoa Kỳ diễn ra ở San Francisco ngày 15/12 sắp tới.

 

Bức ảnh được chụp bởi một thiết bị gọi là Osiris, một hệ thống ghi lại hình ảnh trong vùng nhìn thấy nằm gần bước sóng của tia hồng ngoại và tia cực tím. Mặc dù không có cảm biến màu sắc, Osiris có các bánh lọc cho phép kỹ sư lựa chọn chụp ảnh trong vùng bước sóng của tia sáng màu đỏ, xanh lá và xanh dương. Mỗi bức ảnh sau đó sẽ được ghép lại với nhau để tạo ra hình ảnh có "màu sắc thực."

Một câu chú thích đi kèm bức ảnh cho biết "sẽ xem xét sự xuất hiện của những đốm màu khác nhau trên bề mặt sao chổi và mối liên hệ của nó với hình thái học bề mặt cùng hoạt động của sao chổi."

Theo trang Business Insider, điều này cho thấy hình ảnh có thể là một kết hợp màu sắc được tạo ra để làm nổi bật những đặc điểm trên bề mặt sao chổi hơn là một bức ảnh "màu sắc chân thực."

Hồi tháng 9 vừa qua, một thiết bị có tên Alice trên tàu Rosetta đã vẽ lại được bản đồ bề mặt sao chổi 67P và lần đầu tiên ghi lại được quang phổ ngoài tia cực tím trên bề mặt. Từ các dữ liệu này, các nhà khoa học đã cho rằng sao chổi 67P có màu đen một cách bất thường khi nhìn dưới bước sóng tia cực tím.

Công bố hình ảnh màu chân thực về sao chổi 67P từ tàu Rosetta ảnh 2Hình vẽ của một họa sỹ tưởng tượng về bề mặt sao chổi 67P. (Nguồn: DM)

"Chúng tôi có chút ngạc nhiên về việc bề mặt sao chổi không có tính phản chiếu hay có rất ít bằng chứng về nước đóng băng tại đây," Alan Stern, điều tra viên trưởng thuộc nhóm vận hành thiết bị Alice cho biết tại thời điểm đó.

Phát hiện này hoàn toàn đối lập với hình ảnh mới nhất về sao chổi 67P, và ESA cũng chưa đưa ra khẳng định nào về việc đây có phải hình ảnh với màu sắc chân thực không.

Vài tháng qua, một cuộc tranh luận đã nổ ra xoay quanh việc vì sao những hình ảnh màu và các dữ liệu khác từ sao chổi do tàu Rosetta quan sát không được công bố. Paulo Ferri, giám đốc điều hành nhiệm vụ Rosetta cho biết:

"Các nhà khoa học phát triển các thiết bị gắn trên tàu Rosetta có quyền sử dụng các dữ liệu thu thập được cho mục đích riêng của họ trong 6 tháng. Chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc lấy hình ảnh từ họ. Sau 6 tháng, các thông tin này sẽ được công bố với cộng đồng khoa học, nhưng vẫn phải được thực hiện một cách cực kỳ cẩn trọng."

Ông Ferri cho rằng, có thể "có một điều gì đó lớn lao" ẩn trong hình ảnh, khiến nó được giữ bí mật cho đến tận hôm nay. Ông tin rằng dữ liệu tàu Rosetta thu được có thể giúp lý giải sự hình thành của hệ Mặt Trời cách đây 4,5 tỷ năm./.

Công bố hình ảnh màu chân thực về sao chổi 67P từ tàu Rosetta ảnh 3Hình vẽ tưởng tượng của một họa sỹ khác về sao chổi 67P và tàu Rosetta. (Nguồn: DM)

Tin cùng chuyên mục