Công bố MICS4: Bất bình đẳng ở trẻ em và phụ nữ

Kết quả MICS4 cho thấy vẫn còn tồn tại bất bình đẳng trong cuộc sống của trẻ em và phụ nữ Việt Nam theo vùng miền, giới, nơi cư trú...
Sáng 16/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê phối hợp với Quý Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã công bố kết quả Điều tra đánh giá các Mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2010-2011 (MICS4).

Kết quả MICS4 cho thấy vẫn còn tồn tại bất bình đẳng trong cuộc sống của trẻ em và phụ nữ Việt Nam theo vùng miền, giới, nơi cư trú, điều kiện kinh tế và dân tộc.

Trong lĩnh vực tiêm chủng, cứ năm trẻ em trong độ tuổi từ 12-23 tháng thì chỉ có hai em được tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời cũng có khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn với hai trẻ em thành thị thì có một em được tiêm chủng đầy đủ-trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 3:1.

Trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường, hơn bảy trong số mười người Việt Nam được tiếp cận nước uống và công trình vệ sinh được cải thiện. Tuy nhiên, số người sống trong các gia đình dân tộc Kinh và Hoa được tiếp cận các công trình vệ sinh này cao gấp đôi so với những người sống trong gia đình các dân tộc thiểu số.

Trong lĩnh vực dinh dưỡng, cứ gần như 4 trẻ em dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi, tức là thấp hơn chiều cao trung bình ở lứa tuổi của trẻ. Đáng chú ý, tỷ lệ thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp hai lần so với trẻ em đồng lứa dân tộc Kinh hoặc Hoa. Trong lĩnh vực giáo dục, ở những hộ gia đình nghèo nhất, chỉ có 66% trẻ em trai và 65% trẻ gái được đi học trung học-so với tỷ lệ 96% ở các gia đình khá giả.

Cùng với các số liệu điều tra đánh giá về trẻ em, MICS4 cũng cung cấp số liệu về sức khỏe sinh sản của phụ nữ nổi bật như: 9 trong số 10 ca sinh được thực hiện tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, hầu hết các phụ nữ dân tộc Kinh và Hoa được sinh nở ở cơ sở y tế trong khi chỉ có ba trong số năm phụ nữ dân tộc thiểu số được sinh ở các cơ sở y tế. Tương tự như vậy, số phụ nữ sống ở đô thị-trước khi sinh được xét nghiệm HIV phòng ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con cao gấp dôi so với phụ nữ sống ở nông thôn.

Phát biểu tại lễ công bố, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức cho biết, với hơn 20 chỉ tiêu thuộc Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) thu thập được và hơn 100 chỉ tiêu liên quan đến trẻ em và phụ nữ được tính toán, MICS4 đã cung cấp các thông tin định lượng quan trọng khẳng định những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì Trẻ em giai đoạn 2010-2011, Mục tiêu thiên niên kỷ, Tuyên ngôn và Kế hoạch hành động Một thế giới phù hợp với trẻ em; đồng thời chuẩn bị cho Chương trình hành động Quốc gia vì Trẻ em giai đoạn 2011-2020. Vì vậy, MICS4 sẽ góp phần tích cực vào công tác giám sát các mục tiêu đề ra cũng như lập kế hoạch cho công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ngày một tốt hơn.

Đánh giá về chất lượng MICS4 do Tổng cục Thống kê tiến hành, bà Lotta Sylwander, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam khẳng định, với những số liệu chính xác và giá trị, MICS4 sẽ cho phép Việt Nam giám sát tốt hơn nữa tiến độ đạt được các mục tiêu quốc gia và cam kết toàn cầu, trong đó có MDG với điểm mốc năm 2015 đang đến gần.

Cùng với các số liệu thu được từ Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở, Điều tra biến động dân số hàng năm, Điều tra mức sống hộ gia đình, việc phân tích sâu số liệu MICS4 sẽ không chỉ mang lại những bằng chứng khoa học phục vụ công tác xây dựng chính sách và các chương trình trong nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau mà còn là cơ sở cần thiết để hình thành các số liệu trước can thiệp chính xác, qua đó đo lường được các tiến bộ trong phát triển.

MICS4 là sáng kiến quốc tế về điều tra hộ gia đình thông qua đó, UNICEF hỗ trợ các quốc gia thu thập và phân tích các số liệu nhằm theo dõi tình hình trẻ em và phụ nữ. Ở Việt Nam, bốn vòng điều tra MICS đã được thực hiện vào các năm 1996, 2000, 2006 và 2010-2011./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục