Công bố toàn cảnh công nghiệp phần mềm VN

Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Toàn cảnh công nghệ phầm mềm Việt Nam.”
Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) và Công ty Dữ liệu quốc tế IDC thuộc Tập đoàn IDG Mỹ đã công bố báo cáo kết quả khảo sát toàn cảnh ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam vừa được tiến hành trong tháng 5 và 6/2009.

Báo cáo được đưa ra tại Hội thảo “Toàn cảnh công nghệ phầm mềm Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông và Vinasa tổ chức tại Hà Nội sáng 24/8, trước thềm Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới WITFOR 2009 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam (26-28/8).

Đây là lần đầu tiên một cuộc khảo sát tổng thể về công nghiệp phần mềm được thực hiện trong phạm vi cả nước. Hoạt động này do Đại sứ quán Đan Mạch, Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch và Hiệp hội công nghệ thông tin Đan Mạch tài trợ.

Phần phân tích, đánh giá, đưa ra các nhận định được thực hiện bởi các chuyên gia của IDC và Vinasa, có 149 doanh nghiệp phầm mềm trong nước, bao gồm cả 19 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia khảo sát.

Kết quả khảo sát cho thấy, ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam có nhiều hứa hẹn, nhưng cũng cần vượt qua không ít thách thức. Công nghiệp phần mềm được Đảng, Nhà nước xác định là ngành kinh tế tri thức, công nghệ cao, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân với mục tiêu đạt doanh thu 800 triệu USD năm 2010.

Tuy kỳ vọng lớn nhưng những nỗ lực và giải pháp thực thi trong thực tế để đưa công nghệ phần mềm đi lên chưa tương xứng. Bên cạnh đó có tới 40% số doanh nghiệp về lĩnh vực này không biết đến 2 chương trình quan trọng của ngành là Chương trình phát triển công nghệ phần mềm Việt Nam và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đến năm 2010.

Thiếu hụt nhân lực vẫn là khó khăn hàng đầu hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp phần mềm. Các khó khăn tiếp theo là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nước ta còn bất cập, trình độ ngoại ngữ còn yếu, vi phạm về bản quyền vẫn tồn tại.

Đặc biệt, các chuyên gia quốc tế của IDC cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn thiếu một lộ trình tổng thể quốc gia về phát triển ngành và thiếu quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu công nghệ phần mềm để Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường phầm mềm thế giới.

Năm 2009 cũng được đánh giá là năm đầy khó khăn của các doanh nghiệp phầm mềm, chỉ có 36% số doanh nghiệp nhận định sẽ đạt tăng trưởng ổn định, bằng hoặc cao hơn 2008; có 64% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng trưởng thấp hơn, 12% bị suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình hình Quý II/2009 cũng cho thấy những dấu hiệu khởi sắc để tin rằng những tháng cuối năm 2009, ngành công nghiệp phần mềm nước ta đi lên mạnh mẽ hơn.

Các năm 2010, 2011 và những năm tiếp theo cũng hứa hẹn nhiều triển vọng vì là thời điểm có những chính sách mới bắt đầu đi vào cuộc sống, nhu cầu phầm mềm tăng lên như triển khai dịch vụ 3G... Ba loại dịch vụ có nhiều công ty phần mềm tham gia cung cấp nhất hiện nay là phát triển các ứng dụng trên web; phát triển các giải pháp riêng cho khách hàng và tư vấn công nghệ thông tin.

Doanh thu từ công nghệ phần mềm năm 2009 sẽ đạt 680 triệu USD, từ công nghệ phần cứng đạt 4,1 tỷ USD và từ công nghiệp nội dung số sẽ đạt 440 triệu USD. Doanh thu trên đầu người tương ứng là công nghệ phần mềm 12.000 USD, công nghệ phần cứng 37.200 USD và công nghệ nội dung số là 13.300 USD.

Từ cuộc khảo sát này, sắp tới Vinasa sẽ thảo luận trong hiệp hội và phối hợp cùng chuyên gia quốc tế đưa ra các kiến nghị tới Bộ Thông tin và Truyền thông và Chính phủ để kịp thời có các chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đi lên.

Từ đợt khảo sát đầu tiên này Vinasa sẽ tiến hành các đánh giá định kỳ hàng năm tiếp theo để làm cơ sở xây dựng môi trường thuận lợi cho ngành công nghiệp phần mềm./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục