Công dân Kenya kiện Anh vì bị tra tấn thời thuộc địa

Một tòa án London cho phép 3 công dân Kenya được tiến hành vụ kiện đòi Chính phủ Anh bồi thường vì bị tra tấn thời thuộc địa.
Một tòa án dân sự ở thủ đô London ngày 5/10 đã đưa ra phán quyết cho phép ba công dân người Kenya được tiến hành vụ kiện đòi Chính phủ Anh bồi thường vì đã bị chính quyền thuộc địa Anh giam giữ và tra tấn trong cuộc nổi dậy của người Mau Mau xảy ra từ những năm 1950.

Theo phán quyết của tòa án, vụ việc này có thể được đưa ra xét xử chính thức trong thời gian tới đây mặc dù đã xảy ra cách đây quá lâu.

BBC đưa tin Chính phủ Anh thừa nhận rằng chính quyền thuộc địa đã tra tấn những người bị bắt giữ, nhưng chối bỏ trách nhiệm trong vụ việc và tuyên bố sẽ kháng án.

Chính phủ Anh cho rằng tất cả những trách nhiệm liên quan đến việc tra tấn do chính quyền thuộc địa gây ra đã được chuyển giao cho Cộng hòa Kenya ngay khi nước này giành lại được độc lập năm 1963.

Tuy nhiên, năm 2011, Tòa án dân sự đã ra phán quyết rằng vụ kiện của ba nguyên đơn, gồm ông Paulo Muoka Nzili (85 tuổi), ông Wambuga Wa Nyingi (84 tuổi) và bà Jane Muthoni Mara (73 tuổi), thực sự cần phải xét xử theo pháp luật.

Các luật sư của ba nguyên đơn cho rằng ông Nzili đã bị cắt bỏ cơ quan sinh dục, trong khi ông Nyingi bị đánh đập dã man còn bà Mara bị xâm hại tình dục trong trại giam. Trong vụ kiện này còn một nguyên đơn nữa tên là Ndiku Mutwiwa Mutua, tuy nhiên ông này đã chết hồi đầu năm nay.

Sau phán quyết năm 2011, vụ kiện được đưa trở lại Tòa án dân sự hồi tháng 7 vừa qua để xem xét yêu cầu của Bộ Ngoại giao Anh khi cho rằng những hành động này đã xảy ra quá lâu và vượt quá thời hạn về pháp lý.

Điều này khiến cho Bộ Ngoại giao Anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ liên qua cũng như tìm được người làm chứng.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh nói: "Thời hạn để tiến hành một vụ kiện dân sự bình thường là từ ba đến sáu năm. Trong vụ kiện này, thời hạn đó đã vượt quá 50 năm đó là chưa kể đến một sự thật là những người đưa ra quyết định chính đã chết và không thể có được lời khai của những người này về những điều đã xảy ra."

Tuy nhiên, Thẩm phán Justice McCombe khẳng định tòa án hoàn toàn có thể xét xử công bằng và các bằng chứng của cả hai phía đều rất rõ ràng để tiến hành vụ kiện.

Trong cuộc nổi dậy của người Mau Mau chống lại sự cai trị của người Anh diễn ra từ những năm 50-60 của thế kỳ trước, hàng nghìn người Kenya đã bị giết và nhiều người khác bị giam cầm./.

Huy Hiệp/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục