Những Mai An Tiêm thời đại

Công dân Trường Sa: Những Mai An Tiêm thời đại

Không chỉ người lính, những người dân ở Trường Sa Lớn cũng góp phần mang lại sức sống mãnh liệt cho vùng đảo thiêng của Tổ quốc.
Tiếng gà gáy trưa đây đó. Tiếng con trẻ ê a ôn bài. Biển rầm rì phía xa. Gió biển lộng thổi mang lại mùi hương thắp nơi cửa Phật man mác tâm linh.

Nằm chen lẫn màu xanh mướt của những vườn đu đủ sai kĩu kịt, những cây phong ba, cây tra là những mái nhà ngói đỏ, tường vôi bình dị.

Thời khắc trưa trôi thật khẽ, thật chậm như ở bất kỳ một làng quê nào trên dải đất Việt Nam hình chữ S.

Nhưng thật kỳ lạ khi đó lại chính là Trường Sa - nơi biển đảo tiền tiêu, nơi lâu nay vẫn đứng hiên ngang đầu sóng ngọn gió, nơi được triệu triệu con tim Việt vẫn hằng trông ngóng, yêu thương.

Anh Trương Đình Phương, quê gốc Quảng Bình, ở hộ dân số 1/7, thị trấn đảo Trường Sa Lớn vừa phơi những tấm lưới sau buổi chài sáng vừa hồn hậu chia sẻ: “Đúng là điều kiện ở đảo có hạn chế hơn đất liền; nhưng chú xem, vợ chồng tôi nỏ thiếu chi mô.”

Căn nhà ngói đỏ, vôi vàng của hai anh chị trên diện tích đất 200m2 được xây dựng một tầng, kiên cố, giản dị mà xinh xắn.

Với hệ thống cung cấp điện bằng sức gió và năng lượng mặt trời cho toàn đảo, gia đình anh cũng như các hộ dân khác trên đảo đều có thể dùng được quạt máy, tủ lạnh, theo dõi các chương trình truyền hình thông qua hệ thống đầu thu kỹ thuật số.

Cô giáo duy nhất trên đảo Bùi Thị Nhung - nhân vật chính trong rất nhiều bài báo của các phóng viên từng đến thăm Trường Sa, vừa đi lễ chùa về cùng chị em trong xóm dân cư đã tất tả pha nước mát mời khách và bẽn lẽn cùng chồng ngồi tiếp chuyện chúng tôi.

Chồng chị, anh Đặng Thanh Chương, 32 tuổi, quê Vĩnh Phúc, nói vui: “Trường Sa là đảo không tiền, chỉ có cái tình mà thôi. Dân chài lưới được nhiều cá thì nhập bếp để ủng hộ bộ đội; khi bộ đội tăng gia được rau quả, con lợn con gà thì lại biếu dân. Mua cũng không ai bán.”

Bỏ lại Cam Ranh công việc lái xe với thu nhập ổn định, anh Chương cùng vợ và cô con gái nhỏ ra đảo với quyết tâm: “Bộ đội sống được thì dân sống được. Hai vợ chồng đều còn trẻ, tự thân xây dựng mái ấm, góp phần công sức xây dựng Trường Sa cũng là để khẳng định chính mình và khẳng định trách nhiệm với Tổ quốc.”

Ít nói về mình, người đàn ông vạm vỡ, dễ gần với cái ăn sóng nói gió của người miền biển, anh Võ Văn Trường, chỉ bày tỏ giản dị nhưng kiên quyết: “Biển là biển của mình chài lưới, đảo là quê hương thứ hai nơi cả gia đình mình gắn bó. Trường vẫn thường xuyên tham gia tập luyện dân quân tự vệ cùng anh em trên đảo để sẵn sàng cho mọi tình huống.”

Câu chuyện giữa chúng tôi cứ thế miên man trong buổi đầu gặp mặt, không còn khoảng cách giữa đất liền và Trường Sa. Không thể đi nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn với những người dân đang lao động, sinh sống trên cả quần đảo Trường Sa, nhưng trong cái nắng, cái gió của đảo Trường Sa Lớn, tôi hiểu và tin rằng những tâm sự ấy hoàn toàn không sáo rỗng.

Bên cạnh những người lính đảo đang chắc tay súng để bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc, những người dân như anh Phương, anh Chương, cô giáo Nhung, anh Trường hay lớp lãnh đạo 8x như Phó Chủ tịch thị trấn Nguyễn Quốc Thiện, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Lê Minh Cảnh, Bí thư Đoàn Thanh niên Phạm Gia Huy… cũng đang đóng góp hết mình để mang lại màu xanh, mang lại sức sống mãnh liệt cho đảo Trường Sa Lớn và cả vùng biển đảo của Tổ quốc.

Với tôi, họ chính là những Mai An Tiêm của thời đại ngày nay tình nguyện trên mảnh đất biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc - Trường Sa./.

Quang Thanh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục