Công diễn tác phẩm của hai nhà soạn nhạc nổi tiếng người Nga

Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố đã công diễn chương trình hòa nhạc đặc biệt giới thiệu một số tác phẩm nổi bật của hai nhà soạn nhạc người Nga Aram Khachaturian và Sergei Prokofiev.

Tối 9/8, tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố đã công diễn chương trình hòa nhạc đặc biệt giới thiệu một số tác phẩm nổi bật của hai nhà soạn nhạc người Nga Aram Khachaturian và Sergei Prokofiev - hai trong số những tác giả nổi tiếng nhất của nền âm nhạc Nga.

Chương trình được dàn dựng và chỉ huy bởi nhạc trưởng tài năng Lê Phi Phi. Anh được đào tạo chính quy tại Nhạc viện Tchaikosky và đã trình diễn thành công tại nhiều nước châu Âu.

Nhà soạn nhạc Aram Khachaturian với phong cách âm nhạc đặc trưng, đa dạng sắc màu mang âm hưởng phương Đông và tiết tấu truyền thống của những vùng Trung Đông, Đông Âu và Kavkaz… đã chiếm được cảm tình của công chúng trong nước và được cả thế giới ngưỡng mộ bởi tài năng kiệt xuất.

Các sáng tác của ông đa dạng như giao hưởng; concerto cho các nhạc cụ piano, violin, cello, trong đó nổi tiếng với âm nhạc dành cho ballet là hai vở ''Gayane'' ''Spartacus'' đã được yêu mến và chuyển soạn lại khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng viết nhạc cho khoảng 25 bộ phim.

Tại buổi biểu diễn, khán giả được nghe lại bản Concerto cho violin cung rê thứ của Aram Khachaturian viết dành tặng nghệ sỹ violin nổi tiếng người Nga David Oistrakh do nghệ sỹ violin tài năng Lidia Dobrevska cùng dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Vũ nhạc kịch thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn. Khán giả một lần nữa được thưởng thức nghệ thuật phối khí tuyệt vời của Khachaturian với muôn vàn sắc thái phong phú, mang nhiều kịch tích và đặc trưng sắc tộc.

Bên cạnh đó, khán giả còn được thưởng thức Tổ khúc số 2 từ vở ballet ''Romeo và Juliet'' của nhà soạn nhạc lừng danh thế kỷ 20 Sergei Prokofiev. Ông vừa là nhà soạn nhạc, nghệ sỹ piano, nhạc trưởng người Nga. Vở ballet ''Romeo và Juliet'' được hàng chục nhà biên đạo múa nổi tiếng sau đó dựng lại ở khắp châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục