Công điện về đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ

Nội dung Công điện nêu rõ những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh đã gây mưa to đến rất to, ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên.
Công điện về đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ ảnh 1Nhiều thôn, buôn bị cô lập do nước lũ chia cắt. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều tối 4/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 36 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Bình Định đến Kiên Giang, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin Duyên Hải.

Nội dung Công điện nêu rõ những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh đã gây mưa to đến rất to, ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên.

Lũ trên các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa tuy đang xuống, nhưng vẫn còn ở mức cao (báo động 2 đến báo động 3); các sông ở Ninh Thuận và Đắk Lắk đang lên.

Hiện nay, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực Nam Biển Đông, hối 16 giờ ngày 4/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,7 độ ​vĩ Bắc, 110,2 độ ​kinh Đông trên vùng biển phía Tây đảo Trường Sa, cách các tỉnh Bình Thuận-Bến Tre 280km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, đến 16 giờ ngày 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11 độ ​vĩ Bắc, 107, 6 độ ​kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu-Đồng Nai, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-9. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Để chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ chỉ đạo triển khai việc một số việc như sau:

Đối với các khu vực ven biển và đồng bằng, thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định từ ​vĩ ​tuyến 8 độ ​vĩ Bắc đến 11,5 độ ​vĩ Bắc và từ ​kinh ​tuyến 107, 0 độ ​kinh Đông đến 112 độ ​kinh Đông.

Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền, kể cả các tàu vận tải, tàu du lịch; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện kể xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; tuỳ tình hình cụ thể, các địa phương chủ động việc cấm biển.

Rà soát các khu vực nuôi trồng thủy sản, dân cư tại những vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở ven sông, suối, ven biển, trên đảo để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, vận hành đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, hệ thống công trình thuỷ lợi.

Đối với khu vực miền núi, cao nguyên, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, chủ động việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa đang xả lũ và các hồ đã đầy hoặc gần đầy nước, các đập xung yếu; chủ động điều tiết nước hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ, bám sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ; thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời đến các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân để chủ động phòng, tránh; phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan liên quan thông báo kịp thời thông tin về vận hành xả nước của hệ thống hồ chứa thuỷ điện trên các sông liên quốc gia đến chính quyền và nhân dân khu vực hạ du thuộc nước bạn Campuchia biết để chủ động phòng tránh.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo việc kiểm tra, bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm để kịp thời khắc phục sự cố đảm bảo an toàn giao thông.

Các Bộ liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương sẵn sàng, chủ động triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó và khắc phục hậu quả.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Thông tin Duyên Hải và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh.

Duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có các tình huống xấu xảy ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Công điện về đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ ảnh 2Biển nước mênh mông dọc hai bờ sông Đa Nhim (đoạn qua xã Lạc Lâm, Đơn Dương). (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Mưa lớn liên tục trong 3 ngày qua khiến mực nước các sông, suối trên địa bàn huyện vùng sâu Krông Bông (Đắk Lắk) lên cao.

Nhiều vùng tại các xã Hòa Phong, Hòa Lễ, Cư Pui, Ea Trul… đang bị nước lũ cô lập, nhiều diện tích hoa màu của người dân bị ngập úng, đường giao thông nông thôn bị sạt lở chia cắt nhiều điểm.

Đến 14 giờ chiều ngày 4/11, huyện Krông Bông có 1.145 nhà dân bị nước lũ cô lập, 122 nhà bị ngập nước sâu từ 1m đến 2m, trong đó có 1 nhà bị sập tường do sạt lở. Mưa lớn cũng gây ngập úng gần 2.000ha ngô lai, lúa nước, mỳ đang trong kỳ cho thu hoạch; hơn 4km đường giao thông nông thôn các xã bị sạt lở, gây ách tắc giao thông.

Nghiêm trọng nhất là tuyến tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Hòa Phong-Cư Pui, đoạn qua địa bàn buôn Ngô A, xã Hòa Phong bị sạt lở chia cắt, khiến cho 364 hộ dân buôn Ngô A và thôn 2 xã Hòa Phong đang bị cô lập hoàn toàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Phong, Y Liệu Niê cho biết: “Do mưa lớn, nước lũ dâng cao nên điểm sạt lở tại tuyến đường cứu hộ cứu nạn Hòa Phong-Cư Pui vẫn chưa được khắc phục, việc lưu thông của người dân thôn 2 và buôn Ngô A vô cùng khó khăn. Trước mắt, xã đã cử cán bộ đóng biển báo, căng dây cảnh báo nguy hiểm, nghiêm cấm người dân lưu thông qua khu vực bị sạt lở, báo cáo huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk sớm khắc phục điểm sạt lở để người dân lưu thông an toàn.”

Tại xã Cư Pui mưa lớn đã làm đổ 3 cột điện thôn Ea Lang, gây mất điện gần 700 hộ dân thuộc 3 thôn Ea Lang, Cư Tê và Cư Rang.

Mưa lớn cũng khiến đập Ea Trul, thôn 2, xã Ea Trul bị sạt lở, lật bê tông mái hạ lưu dài 35m. Hiện Ủy ban nhân dân xã Ea Trul đã kiểm tra, cảnh báo mức độ an toàn đến người dân sổng ở khu vực gần đập Ea Trul.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Bông, đến 18h ngày 4/11, mưa lớn vẫn diễn ra trên diện rộng trên tất cả các xã của huyện.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Bông đã huy động lực lượng dân quân, công an phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã sử dụng phương tiện ca nô, áo phao cứu hộ, di dời người dân, phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; phân công cán bộ chốt, trực tại các điểm xung yếu; khuyến cáo người dân không lưu thông ở vùng nước lũ chảy xiết, chăn thả gia súc vùng nước lũ, thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ để chủ động di chuyển, di dời tài sản của gia đình đến nơi an toàn.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận cho biết, mưa lớn trên địa bàn tỉnh trong 2 ngày qua đã gây nhiều thiệt hại ở các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Nam, Ninh Phước, Bác Ái, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Đến 17 giờ ngày 4/11, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 37 nhà bị tốc mái, hơn 120 nhà tại các xã Nhơn Sơn, Bắc Sơn bị ngập lụt, nhiều đồ đạc bị hư hỏng; gia súc bị cuốn trôi, chưa có thống kê cụ thể. Mưa lũ cũng làm ngập úng hơn 1.500 ha lúa và hoa màu...

Riêng tuyến đường 707 đoạn từ Km 35+000 - Km 36+000 bị sạt lở 06 vị trí làm tắc nghẽn giao thông hiện nay mưa lớn chưa khắc phục được. Bờ sông Dinh tại xã Phước Sơn bị sạt lở là 400m, tiếp tục xuất hiện vết nứt có nguy cơ sạt lở khoảng 700m. Ngoài ra, khu vực sạt lở đang uy hiếp đến 2 trụ điện cao thế ở 2 bên bờ sông...

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã lập nhiều đoàn công tác xuống từng địa phương để chỉ đạo công tác chống lũ, di dời dân và tài sản đến nơi an toàn.

Tại các địa phương bị ngập sâu do nước lũ như huyện Ninh Phước đã tổ chức di dời 128 hộ/522 khẩu các hộ dân sống vùng trũng, dọc ven sông đến nơi an toàn; thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã tổ chức di dời 34 hộ. Tuy nhiên, huyện Ninh Sơn vẫn còn 308 hộ/1.460 khẩu đang bị chia cắt do nước lũ.

Dự báo, từ đêm 4/11 đến hết ngày 6/11, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tiếp tục mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Đáng lo ngại, 20 hồ thủy lợi đã đầy nước, đang tràn tự do; hồ Đơn Dương của nhà máy Thủy điện Đa Nhim xả lũ ở mức 25,68 m3/giây, nên nước lũ sẽ tràn về dữ dội hơn.

Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp. Hiện mực nước trên sông Cái tại các trạm Tân Mỹ, huyện Ninh Sơn; Phan Rang (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) đã trên mức báo động 3 gần 1m.

Mực nước trên sông Lu tại các trạm thủy văn ở huyện Ninh Phước vượt báo động 2 khoảng 0,3-0,4 m, có khả năng lên lại vào đêm nay.

Đến 16 giờ ngày 4/11, Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận đã liên lạc được toàn bộ 400 tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển.

Tỉnh Ninh Thuận đề nghị các ngành, địa phương và người dân tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, để chủ động phòng tránh, bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực xung yếu sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục