Công đoàn: Không thể tiếp tục trì hoãn tăng lương tối thiểu vùng

Sau hai năm không tăng, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng sẽ cần được tính toán để có thể bù đắp trượt giá, bảo đảm cuộc sống cho người lao động nhưng không tạo nên cú sốc với doanh nghiệp.
(Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)
(Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Trước năm 2020, tiền lương tối thiểu của công nhân lao động thường được tăng mỗi năm từ 5-7%. Thế nhưng trong hai năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của COVID-19 nên lương tối thiểu vùng đã không tăng.

Theo đại diện của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, năm 2022 là thời điểm "chín muồi" để bắt đầu tiếp tục điều chỉnh tiền lương, không nên tiếp tục trì hoãn.

Khi nào tăng lương là hợp lý?

Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021 vừa qua, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tiền lương, thu nhập giảm, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ngay từ 1/7/2022.

Theo thông lệ, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng từ ngày 1/1 hàng năm, tuy nhiên đại diện của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng trong hai năm qua người lao động đã mòn mỏi chờ đợi được tăng lương; đến thời điểm này không nên tiếp tục trì hoãn, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và "bão" giá.

Công đoàn: Không thể tiếp tục trì hoãn tăng lương tối thiểu vùng ảnh 1

Về phía đại diện doanh nghiệp, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết qua nắm bắt của cơ quan này thì hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng thời gian điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 như thông lệ hằng hăm hợp lý hơn. Bởi đây là thời điểm phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như năm tài chính của Việt Nam.

Theo bà Hồng Minh, doanh nghiệp thường lập các kế hoạch sản xuất kinh doanh với các chi phí kèm theo từ đầu năm. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải tính toán đến việc điều chỉnh các chế độ tiền lương nên nếu để thời điểm tăng lương vào đầu năm sẽ phù hợp hơn. Việc doanh nghiệp đưa ra các chính sách khuyến khích người lao động ngay từ đầu năm cũng sẽ giúp người lao động gắn bó hơn trong quá trình làm việc trong cả một năm.

Dồn nhiều năm sẽ tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp

Bên cạnh thời điểm tăng lương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang tính toán các phương án về mức tăng lương. Mức tăng được cho là phải đủ bù trượt giá trong những năm chưa tăng, đặc biệt là của năm 2022 và tính đến các yếu tố về tăng năng suất lao động, điều kiện kinh tế xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: “Theo tổng hợp của chúng tôi, 5 năm qua tiền lương tối thiểu tăng bình quân 7,4%, nếu dồn hai năm chưa tăng mức tăng sắp tới sẽ cao và chắc chắn doanh nghiệp không chịu được. Chúng tôi sẽ có tính toán cụ thể để đưa ra phương án đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp, tránh gây sốc.”

“Việc đề xuất tăng lương sớm từ 1/7 cũng là để tránh tình trạng dồn nhiều năm lại sẽ tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp, đây là bài toán chúng tôi đang cân nhắc,” ông Lê Đình Quảng bổ sung.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng.

Theo ông Lê Đình Quảng, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, Việt Nam vẫn là điểm sáng của thế giới về phát triển kinh tế, ngay quý 1/2022, GDP đã tăng trên 5%. Trong khi đó, qua nắm bắt của tổ chức công đoàn, rất nhiều doanh nghiệp tại khu vực phía Nam do áp dụng mức lương thấp đã không thu hút được lao động dẫn đến thiếu hụt lao động rất lớn, những yếu tố này đòi hỏi việc tăng lương là rất cần thiết.

[Tăng lương tối thiểu năm 2022: Liệu có còn lỗi hẹn sau 2 năm chờ đợi?]

Ông Lê Đình Quảng cho rằng các căn cứ để điều chỉnh tiền lương như mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng, quan hệ cung-cầu lao động… đã “chín muồi.” Trong thực tế, mức lương tối thiểu chưa tăng cũng tạo ra sự bất ổn trong quan hệ lao động, điển hình là trong những tháng đầu năm xảy ra một số cuộc ngừng việc rất lớn chủ yếu liên quan đến vấn đề tăng tiền lương.

Liên quan đến vấn đề tăng lương tối thiểu, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết sau phiên họp đầu tiên hội đồng đã lắng nghe đề xuất của các bên, sắp tới Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tổ chức phiên họp lần thứ hai để bàn bạc cụ thể, lúc đó mới có thể đưa ra các phương án chính thức./.

Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục