Công đoàn Việt Nam - Trung tâm tập hợp, đoàn kết của người lao động

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trả lời TTXVN về ý nghĩa của Nghị quyết số 02-NQ/TW và kế hoạch triển khai để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Công đoàn Việt Nam - Trung tâm tập hợp, đoàn kết của người lao động ảnh 1Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hơn 90 năm hình thành và phát triển, sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Những năm gần đây, số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động Công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước.

Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động... 

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Nhân dịp này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trả lời TTXVN về ý nghĩa của Nghị quyết và kế hoạch triển khai để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.” Xin ông cho biết, tổ chức Công đoàn đón nhận Nghị quyết này như thế nào? 

Ông Nguyễn Đình Khang: Cán bộ Công đoàn, đoàn viên cả nước hết sức vui mừng, phấn khởi đón nhận Nghị quyết 02, bởi đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về tổ chức Công đoàn trong suốt hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong bối cảnh tổ chức Công đoàn đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức, những thuận lợi và khó khăn.

Đó là, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng, tác động sâu sắc đến đời sống, sản xuất, việc làm của công nhân lao động.

Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc cho phép ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, các chủ trương mới của Đảng trong phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện khát vọng dân tộc đòi hỏi Công đoàn Việt Nam cần có những bước chuyển “căn cơ,” mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

[Nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động]

Trong bối cảnh này, việc ban hành Nghị quyết là hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam.

Nghị quyết số 02 ra đời là cơ sở chính trị quan trọng để Nhà nước thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành các quy định của pháp luật về tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Đây cũng là nền tảng quan trọng để Công đoàn Việt Nam xây dựng chương trình hành động, triển khai thực hiện kế hoạch nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng thực chất, đáp ứng yêu cầu mới, thực hiện mục tiêu “… là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.”

Nghị quyết đã đánh giá khái quát, toàn diện về những kết quả mà tổ chức Công đoàn Việt Nam đạt được hơn 90 năm qua, chỉ ra những hạn chế và nêu rõ các nguyên nhân cũng như dự báo những khó khăn thách thức đối với tổ chức Công đoàn và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

- Xin ông cho biết, tổ chức Công đoàn sẽ làm gì để đưa Nghị quyết vào cuộc sống?

Ông Nguyễn Đình Khang: Đảng đoàn lãnh đạo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn bắt tay ngay vào việc xây dựng chương trình hành động để tổ chức thực hiện Nghị quyết gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đến nay, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã cho ý kiến và vào trung tuần tháng 7/2021, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn sẽ thảo luận và thông qua chương trình. 

Công đoàn Việt Nam - Trung tâm tập hợp, đoàn kết của người lao động ảnh 2Doanh nghiệp đồng hành cùng tổ chức Công đoàn tại Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình ở TP.HCM. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chương trình hành động được xây dựng theo phương châm khái quát, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, rõ việc, rõ cấp, rõ cơ quan thực hiện.

Trong đó, chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp thông qua xây dựng các kế hoạch, đề án của từng cấp Công đoàn để thực hiện các nhiệm vụ nhằm đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.  

Cùng với đó, Công đoàn các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, tham gia với chính quyền đồng cấp xây dựng các chương trình, quy chế phối hợp, kế hoạch hoạt động nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người lao động, hỗ trợ và tạo điều kiện để công đoàn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thiết thực, hiệu quả; hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, Công đoàn; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012.

Để các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động và toàn xã hội nắm được những nội dung cơ bản của Nghị quyết, Tổng Liên đoàn có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức quán triệt, nghiên cứu sâu Nghị quyết trong cán bộ công đoàn các cấp, nhằm thống nhất về nhận thức và hành động. Đây sẽ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng thiết thực kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2021).

- Những đổi mới của Công đoàn Việt Nam trong thời gian tới có ý nghĩa như nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Khang: Như đã nói ở trên, Nghị quyết số 02-NQ/TW ra đời là cơ sở chính trị quan trọng trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn, khẳng định sự tin tưởng của Đảng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam với quan điểm: “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ xã hội chủ nghĩa.”

Nội dung Nghị quyết thể hiện mong muốn, sự trao gửi và giao nhiệm vụ của Đảng đối với tổ chức Công đoàn.

Với những nội dung hết sức sâu sắc, toàn diện của Nghị quyết; với cách thức tổ chức triển khai thực hiện khoa học, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn, tôi tin rằng tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam sẽ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của hoạt động công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tổ chức Công đoàn sẽ ngày càng thích ứng, giải quyết được các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới, gắn kết với người lao động, thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động. 

Các cấp Công đoàn cả nước sẽ cùng quyết tâm, nỗ lực đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Công đoàn Việt Nam, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết của giai cấp công nhân và người lao động cả nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục