Cộng đồng thế giới quan ngại về tình hình Thái Lan

Mỹ, Nhật Bản và Indonesia rất quan ngại trước những diễn biến của cuộc khủng hoảng tại Thái Lan, đồng thời hối thúc tất cả các bên tôn trọng nguyện vọng của người dân.
Cộng đồng thế giới quan ngại về tình hình Thái Lan ảnh 1Binh sỹ Thái Lan gác tại một giao lộ ở Bangkok. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngay sau khi quân đội Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật trên phạm vi cả nước, ngày 20/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố cho rằng động thái này chỉ là tạm thời và không làm xói mòn nền dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, Mỹ rất quan ngại trước những diễn biến của cuộc khủng hoảng tại Thái Lan, đồng thời hối thúc tất cả các bên tôn trọng các nguyện vọng của người dân.

Bà Psaki cho biết Washington hiểu rằng việc Quân đội Hoàng gia Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật không phải là hành vi đảo chính. Mỹ kỳ vọng quân đội tôn trọng các cam kết và bảo đảm tình trạng thiết quân luật này chỉ là tạm thời nhằm ngăn chặn bạo lực và không làm suy yếu thể chế dân chủ.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng diễn biến này cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử theo nguyện vọng của người dân, đồng thời hối thúc các bên phối hợp giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại.

Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến tại Thái Lan, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tránh để xảy ra bạo lực nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Theo ông Suga, Nhật Bản kỳ vọng tình hình Thái Lan sẽ được giải quyết trong hòa bình và dân chủ, đồng thời cam kết chính quyền Tokyo sẽ có các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công dân Nhật Bản tại Thái Lan.

Indonesia, nước đối tác chủ chốt của Thái Lan tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngày 20/5 đã ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại trước những diễn biến tại Thái Lan hiện nay.

Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa cho biết Indonesia kiên định lập trường rằng Thái Lan phải tôn trọng lộ trình hiến pháp và các nguyên tắc dân chủ nhằm thúc đẩy hòa giải và đoàn kết dân tộc, phản ánh nguyện vọng của người dân Thái Lan.

Indonesia cũng kỳ vọng những diễn biến mới nhất tại Thái Lan sẽ không đi ngược lại các nguyên tắc dân chủ và an ninh trật tự sẽ sớm được khôi phục.

Trước đó, vào rạng sáng 20/5, Quân đội Thái Lan đã bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật trên phạm vi cả nước nhằm lập lại trật tự sau nhiều tháng xảy ra các cuộc biểu tình và đụng độ gây thương vong.

Quân đội cho biết sẽ thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình gồm lục quân, không quân và hải quân; giải thể Trung tâm thi hành hòa bình và trật tự trực thuộc chính phủ lâm thời; mọi cơ quan dân sự buộc phải tuân theo các yêu cầu của quân đội.

Ngoài ra, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha cũng yêu cầu kiểm soát hệ thống truyền thông Thái Lan, theo đó cấm mọi phương tiện truyền thông đăng tải, phát tán bất cứ tin tức hay hình ảnh nào gây phương hại tới "an ninh quốc gia."

Trong một động thái liên quan, Thủ tướng bị phế truất của Thái Lan Thaksin Shinawatra tuyên bố việc áp đặt thiết quân luật phải không "hủy hoại" nền dân chủ.

Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Thaksin cho rằng: "Việc ban bố tình trạng thiết quân luật đã được dự kiến... tuy nhiên, tôi hy vọng không bên nào vi phạm nhân quyền hay tiếp tục hủy hoại nền dân chủ."

Bị lật đổ sau một cuộc đảo chính hồi năm 2006, ông Thaksin là nhân vật trung tâm của tình trạng chia rẽ chính trị ngày một sâu sắc hiện nay ở Thái Lan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục