Cộng đồng tình báo Mỹ qua lăng kính của Tân Hoa xã

Tân Hoa xã đã liệt kê 3 nguyên nhân khiến họ nhận định danh tiếng của cộng đồng tình báo Mỹ thường được phóng đại, thực tế không như dư luận đồn đoán.
Cộng đồng tình báo Mỹ qua lăng kính của Tân Hoa xã ảnh 1Biểu tượng của Cơ quan tình báo Mỹ. (Nguồn: Getty)

Theo Tân Hoa xã, danh tiếng của cộng đồng tình báo Mỹ thường được phóng đại, chứ thực tế không như đồn đoán của dư luận.

Thứ nhất, các cơ quan tình báo Mỹ chủ yếu phục vụ mục đích chính trị. Các cơ quan tình báo được lãnh đạo bởi các quan chức do Thượng viện phê chuẩn và hoạt động đồng bộ với nhu cầu của các nhà hoạch định chính sách tại Washington.

Bài viết có đoạn: “Lịch sử chỉ ra rằng các cơ quan tình báo thường hoạt động như tay sai trong nỗ lực duy trì quyền bá chủ của Mỹ bằng cách làm sai lệch thông tin và thậm chí ngụy tạo bằng chứng chống lại những lực lượng khác với mục đích nâng cao các câu chuyện chính trị mà Washington thao túng.”

Nhiều quốc gia đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò đó. Ví dụ, các quan chức cấp cao của Mỹ viện dẫn những gì họ mô tả là "sự thật và kết luận dựa trên thông tin tình báo vững chắc" rằng chế độ Iraq đã chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt trước khi Mỹ tiến hành một cuộc xâm lược chống lại quốc gia Tây Á giàu dầu mỏ này hồi năm 2003, dẫn đến hệ quả là hàng trăm nghìn người chết và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.

Trớ trêu là người ta không tìm thấy bất kỳ vũ khí nào như cáo buộc.

Nhiều năm sau, một số nhân vật tham gia quyết định phát động Chiến tranh Iraq đã thừa nhận sai lầm, song lại tìm cách đổ lỗi cho thông tin tình báo thiếu sót, trong khi các chuyên gia chỉ ra rằng Nhà Trắng quyết tâm tiến hành cuộc chiến đến mức cộng đồng tình báo đã hứng trọn áp lực chính trị và phải tìm cớ biện minh cho hành động quân sự này.

Thứ hai, không có ranh giới nào mà cộng đồng tình báo Mỹ không dám vượt qua. Trước và trong "cuộc chiến chống khủng bố,” các đặc vụ của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã sử dụng cái gọi là "kỹ thuật thẩm vấn nâng cao" như dìm nước, gây áp lực, tra tấn tinh thần bằng cách không cho ngủ, làm nhục, thậm chí là giam trong hộp đối với những tù nhân tại các nhà tù ở bên ngoài lãnh thổ.

[Tình báo Mỹ ra kết luận về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2]

Các hành động của CIA, được nêu chi tiết trong một báo cáo do Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ viết và công bố năm 2014, đã bị các cơ quan giám sát trong nước chỉ trích là "vết nhơ" trong lịch sử, đồng thời phơi bày các tiêu chuẩn kép đáng xấu hổ của Washington về nhân quyền.

Cộng đồng tình báo Mỹ qua lăng kính của Tân Hoa xã ảnh 2Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ở Washington. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cơ quan gián điệp này đã bí mật tuyển dụng các nhà báo Mỹ để tuyên truyền và thao túng dư luận bằng cách yêu cầu họ viết những câu chuyện dựa trên thông tin giả mạo; và trong những thập kỷ qua, các cá nhân hoặc tổ chức có liên hệ với các nhân viên tình báo Mỹ từng nhiều lần bị cáo buộc giật dây và kích động bất ổn chính trị-xã hội ở một số quốc gia và khu vực.

Thứ ba, các cơ quan tình báo Mỹ không đáng tin cậy. Mỹ được cho là đã tiến hành nhiều vụ nghe lén ở cả trong và ngoài nước với sự trợ giúp của cộng đồng tình báo.

Những rạn nứt mới giữa Mỹ và các đồng minh ở bờ bên kia Đại Tây Dương vào cuối tháng Năm năm nay đã xuất hiện khi truyền thông châu Âu tiến hành một cuộc điều tra chung.

Kết quả điều tra về giai đoạn 2012-2014 cho thấy Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), cơ quan tình báo quân đội Mỹ, đã phối hợp với cơ quan mật vụ Đan Mạch để theo dõi nhiều quan chức cấp cao của Đức, Thụy Điển, Na Uy và Pháp.

Nhà Trắng từng cam kết không nghe lén nhà lãnh đạo các nước đồng minh của Washington vào năm 2014 sau khi Edward Snowden làm rò rỉ các tài liệu tuyệt mật của NSA.

Tuy nhiên, đối mặt với vụ bê bối nghe lén mới và những lời chỉ trích gay gắt từ các đồng minh, chính phủ Mỹ đã né tránh các câu hỏi, trong khi cộng đồng tình báo từ chối bình luận.

Điều đáng nói là một số hãng truyền thông Mỹ và các chuyên gia vẫn cố gắng bảo vệ những hành động sai trái của Washington, cho rằng "do thám các đồng minh là bình thường" và "mọi người đều làm như vậy.”

Đáng chú ý là cộng đồng tình báo Mỹ cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lòng tin ở trong nước sau cuộc rút quân đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan, sự kiện mà nhiều người coi là một thất bại tình báo nghiêm trọng.

Giới tình báo Mỹ hiện được Nhà Trắng giao nhiệm vụ 90 ngày để điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 - một công việc thực sự mất rất nhiều thời gian và nên được giao cho các nhà khoa học có trình độ chuyên môn vững trong một số lĩnh vực, và trên hết là phải được thực hiện mà không có bất kỳ sự can thiệp chính trị nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục