Cộng hòa Trung Phi: Làn sóng bạo lực làm tê liệt thủ đô Bangui

Ngày 28/9, nguồn tin y tế cho biết 3 người đã thiệt mạng và 7 người bị thương tại thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi trong các vụ đụng độ biểu tình.
Cộng hòa Trung Phi: Làn sóng bạo lực làm tê liệt thủ đô Bangui ảnh 1Binh sỹ Pháp tuần tra tại khu vực phía bắc Bangui ngày 25/9 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/9, nguồn tin y tế cho biết 3 người đã thiệt mạng và 7 người bị thương tại thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi trong các vụ đụng độ biểu tình.

Đụng độ xảy ra khi hàng trăm người biểu tình hướng về Dinh tổng thống, yêu cầu Tổng thống lâm thời Cộng hòa Trung Phi Catherine Samba-Panza từ chức, sau khi có nhiều người thương vong do bạo lực vào cuối tuần qua.

Phái bộ Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) bác bỏ cáo buộc lực lượng này đã nổ súng vào người biểu tình, song khẳng định sẽ tiến hành xác minh cáo buộc này.

Rào chắn an ninh đã được dựng lên khắp thành phố trong ngày 28/9, các binh sỹ gìn giữ hòa bình của Pháp và Liên hợp quốc đang theo dõi sát sao những khu vực trọng điểm. Chỉ có một số xe lưu thông trên đường và phần lớn các cửa hàng đều đóng cửa do lo ngại bùng phát bạo lực.

Nguồn tin quân đội cho biết một số phần tử vũ trang đã tấn công quân đội, Bộ Quốc phòng và đài phát thanh nhà nước trong đêm, song cuộc tấn công đã bị đẩy lùi.

Tình hình bất ổn đã khiến Thủ tướng Cộng hòa Trung Phi Mahamat Kamoun áp đặt lệnh giới nghiêm tại Bangui.

Làn sóng bạo lực mới nhất tại Bangui bùng phát vào ngày 26/9 vừa qua sau khi có một lái xe taxi người Hồi giáo bị sát hại tại quận 5. Sau sự việc, đụng độ và cướp bóc đã lan ra các quận xung quanh và tổng cộng đã có 120 người thương vong, gây lo ngại bùng phát bạo lực nghiêm trọng giữa cộng đồng người Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Quận 5 vốn là điểm nóng bạo lực giữa người Cơ đốc giáo và Hồi giáo tại Bangui vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014.

Cộng hòa Trung Phi rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy Seleka lật đổ hồi tháng 3/2013 và đưa ông Michel Djotodia, chỉ huy của lực lượng này, lên làm Tổng thống lâm thời.

Tuy nhiên, ông Djotodia đã phải từ chức vào tháng 1/2014 do không thể kiềm chế làn sóng tàn sát và cướp bóc do các tay súng Seleka cũ tiến hành nhằm vào người Cơ đốc giáo.

Hội đồng chuyển tiếp dân tộc đã bầu bà Catherine Samba-Panza làm Tổng thống lâm thời.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, bạo lực đã khiến ít nhất 5.000 người dân Cộng hòa Trung Phi thiệt mạng, gần 440.000 người phải di tản sang các khu vực khác trong nước, 190.000 người phải xin tị nạn tại các quốc gia láng giềng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục