Công khai điểm thi của học sinh: Liệu có vi phạm quyền riêng tư

Công khai điểm thi của học sinh: Liệu có vi phạm quyền riêng tư?

Có công khai điểm nhằm mục đích đảm bảo sự minh bạch trong thi cử, nhưng nhiều người lo ngại rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của học sinh, thậm chí có dấu hiệu vi phạm quyền riêng tư.
Công khai điểm thi của học sinh: Liệu có vi phạm quyền riêng tư? ảnh 1Điểm thi được công khai và việc tra cứu điểm thi khá dễ dàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chỉ một ngày sau khi điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông được công bố, những hình ảnh về việc điểm thi đươc công khai và dễ dàng tra cứu đã tràn lan trên mạng xã hội. Không chỉ điểm thi trung học phổ thông, điểm thi vào lớp 10 cũng được công khai trên mạng internet​. ​

Chính vì vậy, nhiều người lo ngại rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các em học sinh, thậm chí đây còn là hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền riêng tư.

[Đã có thể tra cứu điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017]

Trên trang Facebook cá nhân của mình, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (giảng viên Đại học tại Hà Lan, tác giả cuốn "Con đường Hồi giáo") chia sẻ: “Tôi chết đứng người khi biết điểm thi vào trung học của học sinh hoàn toàn công khai thông qua các trang tra cứu. Ai cũng có thể lên mạng gõ tên sẽ ra vùng thi, số báo danh và ̣điểm từng môn của thí sinh. Bạn bè, người quen, con cái đồng nghiệp và hàng xóm, người nổi tiếng, con người nổi tiếng... gõ tìm là ra hết.”

“Tên trẻ con giờ bố mẹ đặt cho rõ là kêu, ít có chuyện cả trăm đứa y chang nhau như ngày xưa, gõ thử tên con gái của bạn tôi trên phạm vi cả nước mà cũng ra. Điểm số hồi chưa công bố đã thấy học sinh tự tử, giờ công bố kiểu này thì sẽ ra sao? ̉̀́́̉̉̀́́̉” chị Nguyễn Phương Mai lo ngại.

Đó là những lo lắng về khía cạnh tâm lý của trẻ, còn về mặt luật pháp, chị Nguyễn Phương Mai cũng đặt ra câu hỏi: “Ai cho phép báo chí và nhà quản lý có quyền xâm phạm nghiêm trọng đến quyền về đời sống riêng tư của công dân như vậy? Luật Trẻ em thậm chí còn nghiêm cấm chia sẻ thông tin mà không có sự đồng ý của trẻ nhỏ trên 7 tuổi, huống chi đây là những bạn trẻ đang ở độ tuổi dễ tổn thương, nhạy cảm nhất với danh tính cá nhân và giá trị bản thân?”

Công khai điểm thi của học sinh: Liệu có vi phạm quyền riêng tư? ảnh 2Các em học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngoài ra, do điểm thi dễ dàng được tra cứu trên mạng nên nhiều người lớn đã tra điểm thi của những thí sinh trùng tên với mình rồi đăng lên mạng xã hội để làm trò đùa.

Trước những thắc mắc về việc công khai điểm thi của học sinh, theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội) thì đối với điểm thi vào 10, việc công bố điểm thi công khai là quy định của quy chế thi, điểm thi được công bố qua Internet, đến từng thí sinh và được niêm yết công khai tại trường.

“Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh tra cứu đồng thời đảm bảo công khai minh bạch do điểm thi có tính cạnh tranh, là điều kiện để thí sinh xét tuyển vào các trường trung học phổ thông,” ông Ngô Văn Chất nói.

Ông Ngô Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và Dịch vụ truyền thông (đơn vị phụ trách Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 19001567 của Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng điểm thi là thông tin riêng tư của trẻ, nhưng việc công bố hay không còn tùy thuộc vào nhiều quy định, trong đó có quy định của Luật Giáo dục để đảm bảo minh bạch trong thi cử.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hiệu cũng đưa ra một thực trạng tồn tại lâu nay là năm nào việc công khai điểm thi đều xảy ra những hậu quả đau lòng​. Có trường hợp nặng nhất là trẻ tự tự hoặc trẻ có thể chán bỏ nhà, bị tổn thương về tâm lý liên quan đến việc xấu hổ với bạn bè, thầy cô, hàng xóm vì điểm thi thấp.

Hiện nay, Luật Trẻ em đã có hiệu lực và đã có quy định về quyền riêng tư của trẻ em. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Hiệu, để đánh giá có nên cấm công khai điểm thi hay không thì cần có một cuộc nghiên cứu bài bản đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc công khai hay giữ bí mật những thông tin này và đưa ra giải quyết để không ảnh hưởng đền quyền lợi của trẻ em.

“Liên quan đến vấn đề này, chúng ta cần sử dụng được quyền tham gia của trẻ em để hỏi ý kiến số đông của trẻ về việc công khai điểm thi. Chúng ta phải có những phân tích, so sánh về hậu quả của việc công khai và việc giữ bí mật thông tin điểm thi để lựa chọn phương án phù hợp,” ông Nguyễn Công Hiệu nhấn mạnh.

[Đưa thông tin trẻ em trên 7 tuổi lên mạng phải được sự đồng ý của trẻ]

Có công khai điểm thi thì mới đảm bảo được sự minh bạch trong thi cử, mới thực hiện được quyền giám sát của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Thế nhưng công khai ở mức độ nào để đảm bảo được của quyền riêng tư của trẻ em, bảo vệ được trẻ em cũng là một vấn đề cần xem xét. Đặc biệt là khi điểm thi ngày này không chỉ công khai ở trường, ở lớp mà còn công khai trên mạng internet, nơi vốn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ với trẻ em./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục