Công nghệ giúp ''hàn gắn'' các đứt gãy do dịch bệnh COVID-19

Khi đại dịch xảy ra, các quốc gia thực hiện giãn cách xã hội khiến chuỗi cung ứng, các hoạt động kinh tế, giao tiếp xã hội bị đứt gãy, lúc này chính công nghệ đã giúp “hàn gắn” những đứt gãy đó.

Ngoài việc đóng góp các giải pháp bảo vệ an toàn cho con người trong dịch bệnh, công nghệ giúp hàn gắn các đứt gãy thông qua duy trì các kết nối xã hội, đảm bảo tính liên tục của sản xuất kinh doanh, đảm bảo sinh kế và cung cấp công cụ để con người giải quyết các vấn đề trong cuộc sống như làm việc từ xa, học trực tuyến, thương mại điện tử…

“Hàn gắn” các đứt gãy

Cuối tháng 10/2020, Tổ hợp Samsung Việt Nam đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Đa phương 2020 với chủ đề “Ứng phó có trách nhiệm trong quản trị khủng hoảng: Chia sẻ kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19.”

Một sự kiện thường niên, đã được Samsung phối hợp tổ chức từ năm 2018, nhằm kết nối tri thức, nhiệt huyết, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan, qua đó giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam một cách hiệu quả.

Nhưng năm nay, lại có điểm khác biệt, đó là hầu hết các đại biểu tham dự, thậm chí cả một số diễn giả, đã tham gia Diễn đàn thông qua hình thức trực tuyến.

Thực ra, đây là chuyện không mới trong thời COVID-19. Khi đại dịch xảy ra, để ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh, nhiều quốc gia phải thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, khiến không chỉ chuỗi cung ứng, các hoạt động kinh tế, mà cả các hoạt động giao tiếp xã hội thông thường cũng bị đứt gãy.

Chính công nghệ đã giúp “hàn gắn” những đứt gãy đó.

Năm 2020, thế giới chứng kiến những điều chưa từng có: ngay cả các hội nghị cấp cao đa phương cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Ở Việt Nam, họp Quốc hội, họp Chính phủ cũng bằng hình thức trực tuyến. Các lớp học trực tuyến được tổ chức ở khắp các trường học trong cả nước.

Trong công sở, nhà máy, doanh nghiệp, các cuộc họp, thậm chí cả các cuộc đàm phán kinh doanh đều thông qua mạng máy tính. Hội thảo, hội nghị quy mô dù to hay nhỏ cũng thế.

“Ở Samsung, chúng tôi cung cấp kết nối và trải nghiệm liền mạch, phát triển các phần mềm giúp bảo vệ nhân viên, gia đình, cũng như phát triển các giải pháp nhằm đảm bảo tính liên tục của hoạt động sản xuất trong điều kiện các kỹ sư và đội ngũ kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn trong hỗ trợ trực tiếp tại hiện trường, do không thể di chuyển và yêu cầu giãn cách xã hội vì COVID-19,” ông Jeong Sam-Yong, Tổng Giám đốc Samsung SDS Việt Nam nói và cho biết, các giải pháp này không chỉ được cung cấp cho riêng Samsung, mà cho cả các công ty khác và cho cả Việt Nam.

Chính nhờ một phần áp dụng các biện pháp này, hoạt động sản xuất của Samsung đã không bị ảnh hưởng. Tổ hợp Samsung Việt Nam vẫn là cứ điểm sản xuất điện thoại di động duy nhất của Samsung trên toàn cầu có thể duy trì sản xuất ổn định và đảm bảo hoạt động xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Philip Graovac, Phó giám đốc Quốc gia, Quỹ châu Á (Asia Foundation), lại nhắc đến những ngày đầu COVID-19 bùng phát, khó khăn khi đi mua sắm hàng hóa và do đó, giải pháp là mua hàng trên mạng.

“Nếu tiếp cận được với thương mại điện tử, tài chính số, thì cuộc sống sẽ ít bị xáo trộn hơn trong đại dịch so với những người khác. Tụi trẻ nhà tôi được học qua công cụ Google Classroom,” ông Philip Graovac nói và cho rằng, điều quan trọng là các bước tiến công nghệ được tận dụng giúp cho các nhóm khác nhau trong xã hội giải quyết các vấn đề của họ.

Theo số liệu từ báo cáo Chỉ số mua sắm của công ty chuyên về phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM) Salesforce, doanh thu của hoạt động bán hàng trực tuyến trên toàn cầu trong quý 2/2020 đã tăng vọt 71% so với cùng kỳ năm trước.

Ở Việt Nam, thương mại điện tử cũng bùng nổ vì COVID-19. Số lượng giao dịch online/ngày ở Việt Nam thời điểm bùng phát dịch COVID đã tăng vọt lên mức 30 triệu giao dịch.

Đây là con số đáng nhẽ phải đến năm 2025 mới có được. COVID-19 đã thúc đẩy điều đó. Nhưng cũng không thể có được điều này nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ.

Chìa khóa của sự phát triển bền vững

Sức mạnh của công nghệ thực ra còn lớn hơn so với tưởng tượng của nhiều người. Một bằng chứng rõ ràng được ông Philip Graovac chỉ ra, đó là khi COVID-19 bùng phát, một công ty lớn về trí tuệ nhân tạo (AI), trên cơ sở phân tích dữ liệu về quy luật di chuyển của hành khách, đặc biệt là từ Vũ Hán đến Nhật Bản, đã dự báo rằng Nhật Bản sẽ là nước tiếp theo rơi vào khủng hoảng.

“Như vậy, công nghệ không chỉ giúp chúng ta về khả năng kết nối, mang lại lợi ích cho chúng ta mà còn giúp dự báo để chuẩn bị cho khủng hoảng sắp tới. AI, Big Data thực sự mang đến nhiều lợi ích to lớn,” ông Philip Graovac nhận xét.

Câu hỏi đặt ra là ngoài thể hiện sự ưu việt của mình trong quản trị khủng hoảng, công nghệ còn có những ý nghĩa gì đối với công cuộc phát triển của con người cũng như giúp một nền kinh tế phát triển bền vững hơn?

“Chính phủ các nước đã thống nhất đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững. COVID-19 khiến cho việc đạt được các mục tiêu này là một thách thức lớn. Để đảo ngược tình thế, cần hợp tác với các công ty công nghệ, sử dụng công nghệ để có thể đạt được mục tiêu này,” ông Sean O’Connell, UNDP nói.

Một ví dụ liên quan đến mục tiêu đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người…, đó là trong khủng hoảng, bao gồm cả COVID-19, đối tượng dễ bị tổn thương nhất chính là trẻ em khi chúng bị gián đoạn việc học hành.

“Cần thiết phải để các em, kể cả ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận với công nghệ để có thể học trực tuyến. Và không chỉ trong khủng khoảng, mà để thúc đẩy kinh tế phát triển, Việt Nam cần đầu tư trang bị kỹ năng số cho trẻ em từ lứa tuổi trước lớp 1, sau đó tiếp tục phát triển kiến thức, kỹ năng để các em có thể đáp ứng được các yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0,” bà Rana Flower, UNICEF Việt Nam nói.

Thậm chí theo bà Rana Flower, việc giúp cho mọi trẻ em được học trên mạng theo kiểu tương tác là tối cần thiết để Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng tham vọng của mình mà không bỏ ai ở lại phía sau.

Tất nhiên, câu chuyện là không dễ dàng, bởi dù có sức mạnh to lớn nhưng công nghệ cũng có những mặt trái của nó.

Ví dụ, cùng với việc học tập, trẻ em cũng dễ tiếp cận với cái xấu trên không gian mạng. Hơn nữa, cũng không dễ đưa công nghệ vào cuộc sống, khi điều kiện của các nhóm trong xã hội là khác nhau, nhận thức cũng khác…

“Cần lan tỏa để công nghệ có thể được áp dụng vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống, từ giáo dục cho tới sản xuất - kinh doanh, sáng tạo… Tuy nhiên, công nghệ không thể tự hoàn thành nhiệm vụ của nó nếu như việc nâng cao nhận thức và truyền thông cho cộng đồng không tốt. Hơn nữa, Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm ‘nâng cấp’ hành lang pháp lý cho các hoạt động này,” ông Đặng Văn Phúc, Sáng lập và CEO của ONPUN nói.

Có cùng quan điểm, ông Philip Graovac đã nhắc đến vai trò quan trọng của Chính phủ trong việc một mặt tạo ra môi trường để khuyến khích các doanh nghiệp sáng tạo ra những công nghệ mới hữu ích, mặt khác phải quản lý để đảm bảo những công nghệ đó không xâm hại tới lợi ích, tự do và an toàn của người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục