Công nghệ in 3D sẽ thay đổi cục diện quân sự, kinh tế tương lai?

Nếu công nghệ 3D được áp dụng rộng rãi và thay thế cho hoạt động sản xuất thông thường, thế giới sẽ phải chứng kiến những biến động lớn cả về chính trị, quốc phòng và kinh tế.
Công nghệ in 3D sẽ thay đổi cục diện quân sự, kinh tế tương lai? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Telegraph)

Công nghệ in 3D sẽ đem lại sự thay đổi mang tính cách mạng trong quân sự cũng như trong chính sách ngoại giao, khi nó không chỉ tạo ra những thiết kế mới đáng kinh ngạc, mà còn đưa công nghệ quốc phòng và thậm chí nền kinh tế toàn cầu sang một giai đoạn mới.

Đó là khẳng định của các chuyên gia về công nghệ 3D hàng đầu thế giới.

Với những sáng chế gần đây, các máy in 3D thế hệ mới sử dụng kim loại, gỗ và vải hứa hẹn sẽ đưa công nghệ in 3D trở nên phổ biến và mang lại những thay đổi có tính lịch sử cho các ngành ứng dụng.

Theo nhà phân tích công nghệ Alex Chausovsky thuộc công ty nghiên cứu thị trường IHS (Mỹ), hiện nay các nền công nghiệp quốc phòng lớn trên thế giới đang hướng tới việc vận dụng công nghệ này trong sản xuất.

Điển hình như ở Mỹ, Lầu Năm góc đã đầu tư một khoản không hề nhỏ cho việc in 3D quân phục, các mẫu da nhân tạo giúp điều trị vết thương, thậm chí cả đồ ăn phục vụ quân đội.

Các nhà khoa học tại Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) cũng đã sáng tạo ra công nghệ in 4D, tạo nên những vật liệu có thể thay đổi khi tiếp xúc với các yếu tố khác nhau, ví dụ như nước.

Công nghệ mới này mở ra triển vọng một ngày không xa, quân đội sẽ có những bộ quân phục đổi màu theo môi trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, nếu công nghệ này thực sự được áp dụng rộng rãi và thay thế cho hoạt động sản xuất thông thường, thế giới sẽ phải chứng kiến những biến động lớn cả về chính trị, quốc phòng và kinh tế.

Sẽ có những biến động chính trị ở các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng lớn như Mỹ khi nhiều công ty trải khắp đất nước tạo việc làm cho hàng triệu người đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng phục vụ cho quân đội.

Trong khi đó, những nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ để sản xuất đồ dùng hàng ngày như quần áo và đồ chơi trẻ em chắc chắn sẽ gặp rắc rối lớn nếu những thứ cần dùng đều có thể in từ máy in 3D, thậm chí ảnh hưởng tới cả các chính sách ngoại giao, các lệnh trường phạt khi các nước không còn quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ một số cường quốc.

Bên cạnh đó, một nguy cơ hiện hữu là vấn đề an ninh, khi mà ngay cả những nhà bán lẻ cũng có thể cung cấp vũ khí quân sự dưới hình dạng của các vật dụng thông thường.

Công nghệ in 3D ra đời từ những năm 80 của thế kỷ trước, và trong nửa đầu năm 2014, sự xuất hiện của hệ thống in laze có chọn lọc với những chất liệu in bằng kim loại như nhôm, đồng và thép, đã mang lại cơ hội thực sự cho công nghệ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục