Công nghệ PT-TH đã có bước chuyển mình mạnh mẽ

Tại hội thảo về sự thay đổi công nghệ phát thanh, hầu hết các đại biểu cho rằng công nghệ phát thanh-truyền hình đã chuyển mình mạnh mẽ.
Nằm trong khuôn khổ Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ X do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, ngày 14/6, hội thảo “Phát thanh truyền thống và Truyền thông đa phương tiện”  đã diễn ra nhằm giới thiệu bức tranh toàn cảnh về những thay đổi của truyền thông thời đại số hóa và xu hướng truyền thông trong tương lai.

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều cho rằng công nghệ phát thanh-truyền hình đã chuyển mình mạnh mẽ.

Theo ông Vũ Hải, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, trong vòng một thập niên gần đây công nghệ phát thanh-truyền hình đã chuyển mình mạnh mẽ sang công nghệ số và đa phương tiện. Sự hội tụ của công nghệ viễn thông, phát thanh truyền hình dẫn đến các phương tiện truyền thông không phải loại bỏ mà hỗ trợ lẫn nhau và vai trò của phát thanh truyền thống cũng không bị mất đi.

Phát thanh-Truyền hình-Đa phương tiện sẽ trở thành xu thế tất yếu trong thế kỷ tới. Đặc biệt, thiết bị di động cầm tay đã và sẽ trở nên không thể thiếu với giới doanh nhân và thế hệ trẻ ở nhiều nước trên thế giới.

Cùng chung quan điểm này, bà Đàm Phương Hoa (Trung tâm Trung tâm ứng dụng tin học và phát triển công nghệ phát thanh - Đài Tiếng nói Việt Nam) còn cho rằng, trên thế giới hiện nay cũng tồn tại bốn xu hướng truyền thông và ba tiêu chuẩn phát thanh truyền hình đa phương tiện chính, được tập trung phát triển là Tiêu chuẩn truyền hình số cho các thiết bị cầm tay (DVB-H), Tiêu chuẩn đa phương tiện số DMB và Tiêu chuẩn Media - FLO. Các đài phát thanh quốc tế tập trung cho phát thanh mạng và phát thanh di động.

Tại Việt Nam, theo khảo sát mới đây của Google cho thấy có 81% dân số tham gia truy cập Internet thường xuyên và thời gian online mỗi ngày là 5,6 giờ. Người Việt Nam mỗi ngày cũng bỏ ra 2,7 giờ để xem tivi; 1,5 giờ cho báo và tạp chí; 1,4 giờ để nghe đài.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau tìm hiểu các nội dung: Vai trò, xu thế của phát thanh truyền thống và truyền thông đa phương tiện kỷ nguyên số; ứng dụng công nghệ mới trong việc sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng; các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm chi phí trong hoạt động chuyên môn, quản lý hành chính, đào tạo, giảng dạy.

Các đại biểu cũng được giới thiệu những nét chung nhất về phát thanh trong xu thế truyền thông đa phương tiện, đài phát thanh công nghệ số; phổ biến rất nhiều kinh nghiệm về định dạng âm thanh và hình ảnh ứng dụng trong phát thanh và truyền hình theo công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ trong tác nghiệp tin bài đa phương tiện tại Trung tâm Tin tức của Đài Tiếng nói Việt Nam, giải pháp ứng dụng công nghệ tạo ra các phần mềm loại bỏ sự tắc nghẽn của các công nghệ thông thường vào việc gửi, nhận tin bài có dung lượng lớn…; trao đổi, chia sẻ các sáng kiến giúp nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí trong công việc như chế tạo Thiết bị tự động chuyển mạch nguồn tín hiệu Audio. Video dự phòng - hỗ trợ tiếp phát sóng phát thanh truyền hình, Cải tiến phương thức truyền tín hiệu phát thanh từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về hệ phát thanh dân tộc - VOV4…/.

Mỹ Bình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục