CNTT Việt nhìn từ FPT

Công nghệ thông tin Việt Nam - góc nhìn từ FPT

Được xem là đội quân tiên phong, song FPT vẫn quá đơn độc khi không mấy người đi theo, chưa kể bản thân FPT có lúc muốn rẽ ngang...
Nhân 25 thành lập của Công Ty Cổ phần FPT, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin (CNTT) Nguyễn Thiện Nhân đã đặt cho FPT một cái tên rất hay và ý nghĩa từ viết tắt FPT là: Đội quân Tiên phong (Forward Pioneer Team).

Hoàn toàn không quá lời khi tặng cho FPT cái tên đó, cho những gì họ đã có và đạt được 25 năm qua. Có điều, ngoái đi, ngoái lại chợt thấy buồn, khi mà dường như Đội quân Tiên phong đó vẫn quá đơn độc. Vẫn cứ tiên phong, mà không mấy người đi theo chưa kể chính bản thân họ cũng có lúc muốn rẽ ngang.

Bài 1: “Cái khó của người đi đầu là chưa có đường mà đi”

Đó là câu nói mang tính tuyên ngôn của 1 trong 13 thành viên sáng lập FPT, hiện là Chủ tịch FPT-Myanmar, Hoàng Minh Châu đã dùng mỗi khi FPT mở một dịch vụ mới.

Nếu lượng tính bằng số đếm của quân đội, thì nhóm “du kích quân” với niềm mong mỏi thoát nghèo cách đây 25 năm nay đã hơn một sư đoàn với hơn 16 ngàn người chia ra mọi “binh chủng” của công nghệ thông tin: Phần mềm, Hạ tầng CNTT, Truyền thông, Viễn thông, Nội dung số…Tất cả đều đang ở vị trí đi đầu.

Thành công của FPT không đơn thuần chỉ là doanh số trên 1 tỷ USD, không chỉ là sự hiện diện ở 14 quốc gia hay con số nhân lực đáng ngưỡng mộ trong thời buổi thóc cao gạo kém. Họ đã đi từ một nhóm những nhà trí thức trẻ muốn thoát nghèo, bắt đầu từ buôn bán “cái gì có thể sinh lời” để rồi lần mò, chọn hướng và dịch chuyển sang ngành nghề phù hợp và có tương lai. Từ Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm (The Food Processing Technology Compagny), FPT được đổi sang Công ty Phát triển và Đầu tư Công nghệ (The Corporation for Financing and Promoting Technology) với nền tảng là công nghệ thông tin khi đó được hiểu đơn giản là tin học.

Có nhiều cú hích thành công, bắt đầu là nền tảng hạ tầng công nghệ do Trung tâm Tích hợp hệ thống nay là FPT IS triển khai vào năm 1994. Trong suốt gần 20 năm, các giải pháp của FPT IS đã được ứng dụng trong hầu hết lĩnh vực xương sống ở Việt Nam, tác động đến hàng chục triệu người như: Thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe… Cùng đó, đây cũng là công ty có khách hàng nước ngoài sớm nhất của FPT và của doanh nghiệp CNTT cả nước tại Lào, Campuchia, và đang tích cực mở rộng sang các nước trong khu vực.

Nếu như nói tất cả những gì liên quan đến hệ thống CNTT trong nước đều thuộc về FPT IS thì tất cả những gì xuất khẩu liên quan đến FPT Software- thủ lĩnh của xuất khẩu phần mềm. Bắt đầu từ quyết tâm: toàn cầu hóa FPT bằng xuất khẩu phần mềm năm 1999, với tham vọng có thể nói là hơi hoang đường nhưng đã khai phá được hướng đi cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

Thắng trận đầu với Windsoft, nhưng liên tiếp là những thất bại cay đắng mà nếu không “trường vốn,” thiếu đi sự đồng lòng và thiếu sự ủng hộ nhiệt thành của báo giới, thì chiến lược phần mềm của FPT có thể nói là đi tong như nhiều, rất nhiều công ty phần mềm lẫn CNTT tấp tểnh đi theo phần mềm thời đó.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa giúp cho FPT Software thoát nguy trong gang tấc và trở thành công ty phần mềm cũng như xuất khẩu phần mềm thành công nhất. Năm 2006, nhờ dự án Petronas thắng thầu thành nhà thầu chính, vị thế của FPT Software thay đổi hẳn trên trường quốc tế. Với gần 500 lập trình viên, hoàn thiện việc chuyển đổi hơn 1.500 ứng dụng, đến 2008, dự án mang về cho FPT Software hơn 6,5 triệu USD - hợp đồng phần mềm lớn nhất ở thời điểm đó. Thời điểm 2008 cũng là thời điểm doanh số xuất khẩu phần mềm của FPT Software tăng 90 lần, đội ngũ lập trình viên tăng 120 lần, từ 17 lập trình viên ban đầu đã có tới hơn 2.000 lập trình viên, trở thành công ty phần mềm có đội ngũ nhân lực đông nhất Đông Nam Á.

Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế chung toàn cầu, năm 2012 với thủ lãnh mới Hoàng Nam Tiến- nhanh chóng cán mốc nhân sự trên 4.000 (dự tính là 10.000 vào 2015). Cũng năm này,  FPT Software lần đầu lọt vào Top 100 nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu, cùng với những tên tuổi lớn như: Infosys, Unisys, ChinaSoft, CSC, Neusoft... tạo đà cho việc mở rộng cơ hội kinh doanh và quy mô phát triển ra thế giới.

Nhưng, cái rõ nhất của đón đầu công nghệ và xu thế của FPT là ở lĩnh vực viễn thông. Trước khi Internet được triển khai chính thức ở Việt Nam thì FPT đã nổi như cồn với mạng cộng đồng mang tên Trí tuệ Việt Nam với hơn 10 ngàn người tham gia do Trương Đình Anh, một trong lứa nhân tài thế hệ hai của FPT điều hành và phát triển. FOX-tên gọi của FPT Telecom khi đó đã âm thầm đầu tư công nghệ và mạnh dạn xin tham giấy phép ISP, ICP để đến tháng 12/1997, họ là một trong bốn nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet tại Việt Nam.

Tại sử ký FPT, có đoạn: “Chắc thắng và thần tốc, trong vòng 3 năm, FPT Telecom đã xây dựng được một hạ tầng phủ gần kín Hà Nội và TP. HCM so với lịch sử gần 60 năm của VNPT. Sau 5 năm (2008-2013) FPT Telecom đã có mặt ở 51 tỉnh, thành trên cả nước…”

Sau 10 năm, FOX trở thành FPT Telecom trong vị thế người dẫn đầu với đủ mọi giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Không chỉ sở hữu mạng cáp quang dài 1800km từ Lạng Sơn đến Cà Mau, FPT Telecom đồng đẩy mạnh ra các nước Đông Dương và đang tìm kiếm cơ hội ở Myanmar. Không chỉ nằm trong Top 3 doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam, FPT Telecom còn là ISP có nhiều dịch vụ nội dung nhất hiện nay với VnExpress, Fshare, FPT Play HD, OneTV…và với giấy phép Dịch vụ truyền hình trả tiền, FPT Telecom chính thức bước vào lĩnh vực giàu tiềm năng có doanh thu 1 tỷ USD/năm này.

Cũng phủ kín và rộng khắp là mạng lưới phân phối - bán lẻ FPT Trading, với doanh số rất cao lần lượt cán mốc 100 triệu USD, 200 triệu USD, 300 triệu USD, 500 triệu USD. Dù để công bằng mà nói, lợi nhuận chỉ ở mức khiêm tốn so với viễn thông, phần mềm và tích hợp hệ thống. Nhưng nó lại làm nên thương hiệu FPT lan tỏa rộng khắp và đưa công nghệ hiện đại nhất của thế giới đến tận nơi xa xôi hẻo lánh của đất Việt.

Cùng đó là hoàn thành giấc mơ đổi mới giáo dục, với trường Đại học FPT -trường đại học đầu tiên của một doanh nghiệp - được thành lập tại Việt Nam. Đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và học đi đôi với hành, không những giúp ĐH FPT trở thành trường đại học đầu tiên ở Việt Nam được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao theo chuẩn QS Stars - một trong ba chuẩn xếp hạng đại học uy tín nhất thế giới mà còn tạo nên nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường.

[Sinh viên quốc tế du học Việt Nam lấy bằng ĐH FPT]

Tính đến cuối năm 2012, tổng số sinh viên các hệ đào tạo của ĐH FPT đã vượt qua con số 15.000, đang là điểm đến của sinh viên cũng như các chuyên gia giáo dục quốc tế…

Bài 2: Đơn thương độc mã tiên phong vì thiếu… “cụ thể số”

Hàn Phi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục