Công nghiệp 4.0: Làm sao tới đích khi nhiều doanh nghiệp chỉ 2.0?

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu hiện nay trên thế giới nhưng mức độ sẵn sàng của nhiều doanh nghiệp vẫn còn ở mức khiêm tốn, nhiều doanh nghiệp đang dậm chân ở mốc 2.0...
Công nghiệp 4.0: Làm sao tới đích khi nhiều doanh nghiệp chỉ 2.0? ảnh 1Trong lĩnh vực dệt may, chủ yếu các doanh nghiệp cỡ vừa và lớn sẵn sàng cho công nghiệp 4.0. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu hiện nay trên thế giới, song đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, mức độ sẵn sàng để ứng dụng công nghệ mới của nhiều doanh nghiệp vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Nhiều doanh nghiệp ở giai đoạn 2.0

Nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết, mặc dù một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất nhưng thực tiễn sau 20 năm phát triển ngành này, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn còn quá lạc hậu với thế giới.

"Phần lớn việc tổ chức doanh nghiệp, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu phát triển mới ở trình độ công nghệ thời 2.0, dẫn đến các sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực... thua kém các nước trong khu vực," ông Đào Phan Long cho hay.

Nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng cho rằng, sản phẩm cơ khí chủ yếu là hàng gia công, có giá trị kinh tế thấp, chưa hình thành một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí...

Bên cạnh đó, ngành cơ khí vẫn chưa có các cơ sở công nghiệp với thiết bị công nghiệp tiên tiến đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang nghe và biết rõ rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần nhưng lại không hiểu rõ bản chất của nó và không biết phải ứng dụng nó ra sao.

Đặc biệt nhiều doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa còn đang mơ hồ với cách mạng 4.0 khi không biết phải bắt đầu từ đâu.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh, hiện chỉ khoảng trên 50% doanh nghiệp dệt may sẵn sàng trước cuộc cách mạng này nhưng chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp cỡ trung bình và lớn.

"Áp lực cạnh tranh trong ngành dệt may rất gay gắt, để đáp ứng, các doanh nghiệp phải nghiên cứu áp dụng công nghệ mới mà ở đây chính là các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Muốn làm điều đó, phải nghiên cứu từng chủng loại thiết bị phù hợp với từng doanh nghiệp và tiếp tục đầu tư cho công nghệ mới đối với lĩnh vực này," ông Phạm Xuân Hồng nói.

Mức độ sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Phải thay đổi tư duy

Khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp cho thấy, mặc dù đã có một số doanh nghiệp tiên phong (trong các lĩnh vực như dầu khí, điện…). Song vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong ngành công nghiệp nhằm xây dựng nền sản xuất thông minh được đánh giá là động lực quan trọng của phát triển Kinh tế số, nhưng 16/17 ngành khảo sát ưu tiên đều đang có mức sẵn sàng thấp.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, các công nghệ tiên tiến vẫn còn ít được áp dụng tại các doanh nghiệp, chiếm khoảng 15%, trong đó, tỷ lệ ứng dụng có xu hướng tăng theo quy mô doanh nghiệp và vượt trội ở các ngành cơ khí, thiết bị điện, và sản phẩm điện tử.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không của riêng quốc gia nào, nếu không có tư duy đổi mới, phát triển và ứng xử phù hợp sẽ bị đào thải.

"Doanh nghiệp cần phải hiểu đúng và đầy đủ về cuộc cách mạng này, cụ thể là về những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau," ông Cường chia sẻ thêm.

Nhận định về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các doanh nghiệp Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhấn mạnh đến việc áp dụng công nghệ mới giúp nhanh chóng chuyển sang nền Kinh tế số.

Bởi lẽ, việc áp dụng các công nghệ, mô hình kinh doanh mới mà thế giới đang có để chuyển đổi nền sản xuất hiện hành và cách thức quản lý là con đường để tiến kịp trào lưu của công nghiệp 4.0 cũng như con tàu của cuộc cách mạng này trên thế giới.

Để đạt được thành công trong chiến lược tổng thể về công nghiệp 4.0 của Việt Nam, theo ông Cung, Nhà nước cần tạo ra một môi trường khuyến khích sáng tạo và hỗ trợ sáng tạo để có thể khuyến khích đưa ra nhiều phát minh và sáng kiến giúp tạo thành sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thị trường cũng như tiến kịp với thế giới.

"Vấn đề đầu tiên suy nghĩ là phải áp dụng công nghệ mới để chuyển đổi toàn bộ xã hội hiện hành của chúng ta theo hướng nhanh và hiệu quả hơn, kết nối hơn và minh bạch hơn," ông Cung phân tích thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục