Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính của tăng trưởng

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội tháng Chín và 9 tháng tiếp tục đà tích cực. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính của tăng trưởng ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin tại Phiên họp báo Chính phủ diễn ra tối 1/10, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội tháng Chín và 9 tháng tiếp tục đà tích cực.

Theo dự kiến có 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018 sẽ vượt, 4/12 chỉ tiêu đạt. Đáng chú ý, GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cả 3 khu vực là nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng cao. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng.

[Bộ Công Thương: Tăng trưởng xuất khẩu vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra]

CPI trong tầm kiểm soát

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng qua tiếp tục xu hướng khả quan. Kinh tế vĩ mô ổn định, trong đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.

Theo đó, tháng 9/2018 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,59% so với tháng trước. Như vậy, CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%.

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, động lực tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua có sự đóng góp lớn của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng đạt 12,65%, đóng góp tới 2,56 điểm phần trăm vào tăng trưởng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Tiếp đến là xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng ước tính đạt gần 179 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước đó.

Trong 9 tháng qua, Việt Nam có tới 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; trong đó, có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,2%.

Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu mà 9 tháng năm nay Việt Nam đã xuất siêu gần 5,4 tỷ USD; trong đó, phải kể đến sự đóng góp của khu vực FDI xuất siêu 23,65 tỷ USD.

Bên cạnh đó là sự đóng góp của ngành nông nghiệp và thủy sản. Sau một thời gian tụt dốc tăng trưởng, ngành nông nghiệp thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012-2018 và ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,37%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua.

Trong 9 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã đóng góp cho tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 0,62 điểm phần trăm, trong đó ngành nông nghiệp đóng góp 0,36 điểm phần trăm và ngành thủy sản đóng góp 0,22 điểm phần trăm.

Cũng theo thống kê, trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn. Còn có gần 23.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Từ những kết quả trên, theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nếu tăng trưởng GDP quý IV đạt 6,8-6,9% thì cả năm chắc chắn vượt mức 6,7%.

Không chủ quan trong những tháng cuối năm

Dù vậy, tại Phiên họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành không được chủ quan, cần nhìn rõ hơn các tồn tại, bất cập, khó khăn, yếu kém, đặc biệt là những diễn biến phức tạp từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

"Chúng ta không hài lòng, không chủ quan, không thỏa mãn với thành tích đạt được. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là đẩy mạnh cải cách thể chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn, tin giản biên chế," Bộ trưởng nói.

Cụ thể hơn, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tốt, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nợ công; cải cách thể chế; thúc đẩy tăng năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp...

Nói thêm tại phiên Họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng lưu ý, vấn đề điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đã thực hiện tốt nhưng cần làm tốt hơn.

Theo Bộ trưởng, hiện có có tổng số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, mới chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 dòng hàng và 30 thủ tục. Ngoài ra, có tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, mới chính thức cắt giảm được 1.133 điều kiện, đạt trên 30% so với yêu cầu.

Như vậy, còn phải cố gắng nhiều. Các Nghị định cắt giảm các điều kiện kinh doanh đang được các cơ quan hoàn thiện để làm sao trong tháng 10 này Chính phủ ban hành. Với các thủ tục, dòng hàng kiểm tra chuyên ngành cũng vậy.

"Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan tiếp tục quyết liệt chỉ đạo soạn thảo, trình xem xét, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh không để văn bản nợ đọng. Tiếp tục triển khai quyết liệt việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục