Công nghiệp giày dép, may mặc của Thái Lan gặp khó

Theo Hiệp hội giày dép Thái Lan, ngành công nghiệp giày dép và phụ kiện của nước này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Theo số liệu báo cáo vừa được Hiệp hội giày dép Thái Lan công bố, ngành công nghiệp giày dép và phụ kiện của nước này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ việc đồng baht thiếu ổn định tới quy định trả lương cao hơn và sự cạnh tranh khốc liệt của các nước láng giềng.

Báo cáo này cho biết rất nhiều nhà sản xuất giày dép của Thái Lan, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã phải tạm ngừng sản xuất và chỉ tập trung cung ứng nguyên liệu xuất sang đi các nước khác. Nhu cầu nhập khẩu giày dép sụt giảm cộng thêm sự cạnh tranh quyết liệt từ Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác đã khiến lượng xuất khẩu giày dép của Thái Lan, đặc biệt là giày thể thao, giảm mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội giày dép Thái Lan Chanin Jitkomut cho biết giá nhân công lao động tăng cao cộng thêm nhu cầu tiêu thụ giảm sút cả trong nội địa lẫn ngoài nước đã làm cho ngành công nghiệp này trở về thời điểm xế chiều trong năm 2013. Các nhà sản xuất không thể tiếp tục sản xuất mà chỉ tập trung vào việc cung cấp nguyên liệu cho các nước khác.

Các quốc gia nhập nguyên liệu nhiều của Thái Lan gồm có Việt Nam, Myanmar, Trung Quốc và Indonesia và họ được coi là đối thủ cạnh tranh chính của Thái Lan. Các nhà sản xuất của Thái Lan buộc phải ngừng hoạt động, một số đang tìm cách chuyển dây chuyền sang các nước khác có nguồn lao động rẻ hơn và có đặc quyền xuất khẩu sang các nước phát triển.

Tính trong bảy tháng năm nay, xuất khẩu giày dép và phụ kiện của Thái Lan giảm 3,47% xuống còn 440,82 triệu USD, trong đó riêng giày thể thao giảm mạnh nhất khoảng 46,97% xuống còn 28,54 triệu USD.

Chanin cũng là ông chủ của hãng sản xuất giày Moda, đang phải đóng cửa vì chi phí lao động cao. Tuy nhiên, công ty này vẫn giữ lại một số ít lao động để phục vụ việc xuất khẩu nguyên liệu.

Theo ông này, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ để các doanh nghiệp Thái Lan đối phó với tình trạng khủng hoảng xuất khẩu không với tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ chỉ tập hợp được các tổ chức lớn như Liên đoàn công nghiệp hay Phòng thương mại, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải là thành viên của những tổ chức này.

Ngoài ngành công nghiệp giày dép, các nhà xuất khẩu hàng may mặc cũng đang gặp khó khăn vì sự bất ổn của đồng baht.

Chủ tịch Công ty TK Garment cho biết nhiều công ty của nước này đã phải chuyển dây chuyền sang các nước láng giềng để tránh chi phí lao động đang tăng cao trong nước. TK Garment đã thiết lập được dây chuyền mới ở Banteay Meanchey, một tỉnh miền Tây Campuchia và là một trong những điểm đến của nhiều doanh nghiệp may mặc Thái Lan nhằm tránh chi phí lao động cao tại Thái.

Chiến lược tái lập dây chuyền sản xuất ở các nước khác trong ASEAN đã được nhiều doanh nghiệp may mặc Thái Lan thực hiện trong những năm qua bởi ngoài chi phí lao động cao, Thái Lan đã mất quyền miễn trừ thuế xuất khẩu vào các nước phát triển./.

Hà Linh/Bangkok (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục