Công nghiệp nông thôn: Hướng đi thay đổi diện mạo kinh tế của Kinh Môn

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 49,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2017.
Công nghiệp nông thôn: Hướng đi thay đổi diện mạo kinh tế của Kinh Môn ảnh 1Dây chuyền sản xuất thép của Công ty cổ phần Hòa Phát-Hải Dương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vượt qua những khó khăn, sau quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, kết hợp giữa nông nghiệp và công nghiệp đã giúp diện mạo kinh tế của huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương thay đổi từng ngày.

Đáng chú ý, việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng được Đảng bộ và chính quyền huyện Kinh Môn đặc biệt quan tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế của địa phương trong giai đoạn hiện nay.

[Nông dân Kinh Môn thu về cả nghìn tỷ đồng từ trồng hành, tỏi]

Điểm nhấn về thu hút đầu tư

Kinh Môn là huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương, có địa giới hành chính tiếp giáp với hai tỉnh lớn là Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.

Ngoài điều kiện tự nhiên ưu đãi để phát triển nông nghiệp, thì lĩnh vực công nghiệp cũng là một điểm nhấn đóng góp quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Kinh Môn.

Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Kinh Môn cho biết, trên địa bàn đang tập trung nhiều doanh nghiệp lớn, đóng góp tích cực cho ngân sách của tỉnh Hải Dương như: Công ty cổ phần thép Hòa Phát, Công ty Thành Công, nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương đang được xây dựng với công suất 1.200 MW, tổng vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD.

Ngoài ra, huyện còn là nơi tập trung 8 nhà máy ximăng lớn với tổng công suất gần 10 triệu tấn/năm, như: Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Thành Công,... đã giúp Kinh Môn trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Kinh Môn cho thấy, tổng giá trị sản xuất năm 2018 ước đạt 43.612,6 tỷ đồng tăng 11,2% so với năm 2017. Theo đó, giá trị sản xuất nông-lâm-thuỷ sản đóng góp 2.112,8 tỷ đồng và giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đã giúp huyện thu về 38.125 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Một số sản phẩm tăng trưởng khá như thép xây dựng đạt 1,997 triệu tấn, tăng 10,7% và giấy các loại đạt 42.440 tấn, tăng 13,9% so với năm 2017.

- Đóng góp của các lĩnh vực trên địa bàn huyện Kinh Môn năm 2018:

Có được kết quả trên, bên cạnh những đòn bẩy để thu hút đầu tư, thì vai trò của nhiều doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng với sự phát triển chung của huyện đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ.

Ông Đỗ Đức Đôn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thép Hòa Phát-Hải Dương cho biết, tính đến hết năm 2018, doanh nghiệp đã thu hút tổng cộng gần 5.000 lao động làm việc tại các dây chuyền sản xuất thép, trong đó 85% là lao động có hộ khẩu tại tỉnh Hải Dương.

Đáng chú ý, năm 2018 thu nhập bình quân của người lao động của Hòa Phát-Hải Dương đã đạt khoảng 8,9 triệu đồng/tháng.

"Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty luôn đồng hành và có trách nhiệm với cộng đồng bằng những hành động thiết thực là đóng góp các công trình phúc lợi để phục vụ nâng cao đời sống của người dân địa phương," ông Đôn nói.

Chính sự vào cuộc của cộng đổng doanh nghiệp đã giúp đời sống người dân trên địa bàn huyện Kinh Môn không ngừng được nâng cao. Theo lãnh đạo huyện Kinh Môn, đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 49,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2017.

Bên cạnh đó, với một điểm đến đầu tư khá hấp dẫn, bà Nguyễn Thị Liễu cho biết, hàng năm các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Kinh Môn đã tham gia đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của địa phương và chiếm tới 30% ngân sách của toàn tỉnh Hải Dương.

Không đánh đổi môi trường

Năm 2018, huyện Kinh Môn có thêm 186 doanh nghiệp thành lập mới (bao gồm chi nhánh, văn phòng đại diện) tăng 12,7% so với năm 2017, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện là 887 doanh nghiệp, trong đó Cục Thuế tỉnh quản lý 63 doanh nghiệp, Chi cục Thuế huyện quản lý 824 doanh nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kinh Môn cho biết, với chủ trương thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp của huyện, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao chất lượng ngành công nghiệp, tạo mọi điều kiện cho ngành công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, những năm qua huyện Kinh Môn luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường khu vực công nghiệp.

Theo đó, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời rà soát, lập danh sách 21 cơ sở có có dấu hiệu ô nhiễm môi trường, gây bức xúc và thường xuyên có phản ánh trong nhân dân, cũng như phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở nhằm kiểm tra, kiểm soát việc bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này.

"Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, với mục tiêu chủ động ngăn ngừa việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm đặc biệt là các nguồn ô nhiễm khí thải gây bức xúc trong nhân dân," Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kinh Môn cho hay.

Công nghiệp nông thôn: Hướng đi thay đổi diện mạo kinh tế của Kinh Môn ảnh 2Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cũng theo bà Liễu, nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Kinh Môn đã ban hành đề án về "Giảm thiểu ô nhiễm môi trường huyện Kinh Môn giai đoạn 2015-2020" và xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án của tỉnh về "Xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương, gia đoạn 2016-2020," huyện đã chỉ đạo cấp ủy chính các cấp xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, với mục tiêu chủ động ngăn ngừa việc phát sinh chất thải ra môi trường, kiểm soát, xử lý và giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm.

Hiện trên địa bàn huyện có 12 công ty, nhà máy thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động theo quy định gồm: Công ty ximăng Trung Hải, Ximăng Duyên Linh, Ximăng Thành Công II, Ximăng Phú Tân, Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công III, Công ty cổ phần thép Hòa Phát-Hải Dương, Công ty cổ phần năng lượng Hòa Phát, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Thịnh, Công ty ximăng Phúc Sơn, Công ty kinh doanh vật tư ximăng Minh Tuấn, Ximăng Vicem Hoàng Thạch và Công ty Điện lực Jack Hải Dương.

Nói về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ông Đỗ Đức Đôn cho biết thêm, việc phân loại và xử lý chất thải tại công ty được xử lý khá bài bản.

Cụ thể, với chất thải rắn thông thường như xỉ ướt lò cao, đuôi thải tuyển xỉ được tập kết tại kho bãi của Công ty sau đó bán cho các doanh nghiệp có đủ năng lực nhằm mục đích tái sử dụng và từ tháng 10/2018, xỉ ướt lò cao của Hòa Phát-Hải Dương được nghiền mịn làm phụ gia cho sản xuất ximăng.

Trong khi đó, tất cả các loại chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất được công ty cho phân loại, thu gom và vận chuyển về kho chứa, sau đó mỗi chất thải khác nhau được chứa ngăn riêng, có ghi mã và dấu hiệu cảnh bảo.

"Định kỳ trong năm Hòa Phát-Hải Dương đều ký hợp đồng với các công ty môi trường để xử lý các nguồn chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, công ty cũng hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết nối với Sở Tài nguyên Môi trường," ông Đôn nói thêm.

Có thể thấy, việc Kinh Môn chọn con đường phát triển bền vững đã cho thấy tầm nhìn đúng đắn của lãnh đạo huyện.

Thực tế trong bối cảnh hiện nay, việc tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc đầu tư các công trình đi kèm với việc thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường sẽ là động lực quan trọng giúp kinh tế của Kinh Môn bước đi vững chắc trong quá trình hội nhập, qua đó góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục