Công nghiệp phụ trợ Việt Nam nhắm tới các thị trường châu Âu

Đoàn các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Việt Nam đang có chuyến công tác tại Áo, Séc và Đức nhằm tiếp cận thị trường và tìm kiếm các đối tác, khách hàng châu Âu.
Công nghiệp phụ trợ Việt Nam nhắm tới các thị trường châu Âu ảnh 1Đoàn Việt Nam tham dự Hội thảo Kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tại Cộng hòa Áo. (Ảnh: Bích Yến/Vietnam+)

Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án công nghiệp phụ trợ Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu (thuộc Dự án EU-MUTRAP) được Liên minh châu Âu tài trợ, đoàn các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Việt Nam đang có chuyến công tác tại các nước Cộng hòa Áo, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Liên bang Đức, từ ngày 5-19/4.

Mục đích chuyến công tác của Đoàn doanh nghiệp Việt Nam lần này là tiếp cận thị trường và các đối tác, khách hàng châu Âu; tham gia trưng bày sản phẩm và tìm kiếm khách hàng tại Hội chợ quốc tế về các sản phẩm công nghiệp Hannover (Cộng hòa Liên bang Đức).

Ngày 7/4, đoàn đã tham dự Hội thảo Kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, do Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Áo phối hợp với Phòng thương mại Áo (WKO), Hiệp hội điện điện tử Áo, tổ chức.

Hội thảo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu sâu sắc hơn về các lợi thế của nhau; trao đổi, tìm kiếm đối tác trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu lâu đời của Áo để tiến vào thị trường châu Âu.

Sau buổi hội thảo này, cũng đã diễn ra đối thoại B2B giữa doanh nghiệp hai nước.

Từ năm 2014, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất, nhập khẩu lớn thứ hai (sau Thái Lan) của Áo. Áo đã nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam như giày dép, điện thoại thông minh, máy điện, dệt may... với kim ngạch là 550,3 triệu euro (tăng 16,5%) và xuất khẩu các mặt hàng sang Việt Nam như máy cơ khí, điện tử, dụng cụ y tế... với kim ngạch 159,3 triệu euro (tăng 7,6 %).

Ông Hans-Jörg Hörtnagl, Giám đốc phụ trách Khu vực phía Nam-Đông Nam Á, Phòng thương mại Áo cho biết tiềm năng hợp tác giữa Áo và Việt Nam là rất lớn. Những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất đối với Áo và các sản phẩm của Áo trong khu vực ASEAN.

Theo ông, năm 2014, Áo đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 550 triệu euro từ Việt Nam và trong tương lai tiềm năng này sẽ còn lớn hơn nữa vì ba lý do. Thứ nhất, có rất nhiều công ty Áo ở Trung Quốc, nhưng nay, thị trường Trung Quốc đã trở nên đắt đỏ. Vì vậy, trong tương lai các công ty Áo sẽ chuyển sang sản xuất ở Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam là một đối tác quan trọng của các nước ASEAN. Cuối năm nay, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ nổi lên một thị trường tiềm năng với 600 triệu dân. Vì vậy, Việt Nam ngày càng hấp dẫn như một trung tâm sản xuất cho các nước châu Á, cũng như cho thị trường ASEAN và châu Âu. Lý do thứ ba, Liên minh châu Âu sắp ký kết thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, đó là một cơ sở tuyệt vời cho việc hợp tác hơn nữa.

Ông Hans-Jörg Hörtnagl khẳng định sẽ có rất nhiều cơ hội cho các công ty của Áo kinh doanh tại Việt Nam, cũng như cho các công ty Việt Nam kinh doanh ở Áo.

Ông Vũ Việt Anh, Đại sứ Việt Nam tại Áo, cũng tin tưởng rằng lần hội thảo này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm kiếm được những đối tác thích hợp.

Công nghiệp phụ trợ Việt Nam nhắm tới các thị trường châu Âu ảnh 2Các doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua thị trường Áo để tiến vào thị trường châu Âu. (Ảnh: Bích Yến/Vietnam+)

Chiều cùng ngày, Đoàn đã làm việc với các chuyên gia, lãnh đạo của tổ hợp công nghiệp ôtô ACstyria Autocluster và tham quan hai nhà máy thuộc tổ hợp này.

Tại nhà máy VESCON (chuyên sản xuất các dây chuyền lắp ráp), đoàn đã được tham quan khu vực sản xuất, lắp ráp các dây chuyền, nghe các chuyên gia trình bày về thế mạnh của các sản phẩm, tính năng, giá thành cũng như khả năng chuyển giao công nghệ của nhà máy.

Tại công ty sản xuất phụ tùng ôtô thay thế s-Tec Service Technologies (Magna), đại diện một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần cơ khí 17 Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel, Công ty Nhật Minh, Công ty trách nhiệm hữu hạn 4P... đã đặt vấn đề về khả năng có thể cung cấp các linh, phụ kiện cho phía bạn. Phía bạn cũng đã nhiệt tình chia sẻ các hoạt động sản xuất, nghiên cứu sản phẩm và các thông tin quý báu về thị trường, thị phần, khách hàng châu Âu cho đoàn.

Bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc SIDEC kiêm Giám đốc Dự án công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu, đã bày tỏ mong muốn trong ba năm tới, hoạt động của dự án này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và xuất khẩu được sang thị trường châu Âu.

Trong chuyến công tác châu Âu lần này, Đoàn Việt Nam sẽ tham dự Hội chợ Hannover, từ ngày 10-17/4, với hai gian hàng dành cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử.

Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận rộng khắp với các đối tượng khách hàng châu Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục