Công nghiệp sẽ mang lại cú hích mới cho quan hệ Trung Quốc-ASEAN

Theo Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, Trung Quốc và ASEAN cần tăng cường hợp tác về công suất trong lĩnh vực công nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của cả đôi bên.
Công nghiệp sẽ mang lại cú hích mới cho quan hệ Trung Quốc-ASEAN ảnh 1Công nhân làm việc tại xưởng lắp ráp ôtô ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Đại sứ Trung Quốc tại Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) Xu Bu, Trung Quốc và ASEAN cần tăng cường hợp tác về công suất trong lĩnh vực công nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của cả đôi bên.

Ông Xu Bu cho biết hợp tác về công suất trong lĩnh vực công nghiệp nên là một vấn đề ưu tiên trong hợp tác song phương Trung Quốc-ASEAN và sẽ mang lại cú hích mới cho sự phát triển của đôi bên.

Theo ông, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được những kết quả tích cực trong giai đoạn ban đầu của quá trình hợp tác này.

Các doanh nghiệp Trung Quốc thành lập khoảng 23 khu hợp tác kinh tế-thương mại ở các nước ASEAN, thu hút 421 doanh nghiệp Trung Quốc.

Kể từ khi Cộng đồng ASEAN ra đời vào tháng 12/2015, ASEAN không chỉ tạo ra một thị trường chung với khoảng 600 triệu người tiêu dùng mà còn thiết lập một nền tảng sản xuất chung với dòng chảy tự do của hàng hóa, đầu tư, dịch vụ và lao động có tay nghề.

Trong khi đó, Trung Quốc đang hướng tới hai mục tiêu thế kỷ - theo đó sẽ phấn đấu tăng gấp đôi GDP (từ mức của năm 2010) và thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn/thành thị, và hoàn tất tiến trình xây dựng một xã hội thịnh vượng vào năm 2020; và đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, giàu mạnh, dân chủ và văn hóa phát triển vào giữa thế kỷ này.

Để đạt được những mục tiêu phát triển, cả Trung Quốc và ASEAN cần kiến tạo các kênh hợp tác mới và có những bước đột phá mới.

Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác song phương về công nghiệp, ông Xu Bu cho rằng hai bên cần tăng cường trao đổi các chiến lược và sáng kiến tương ứng.

Cũng theo ông Xu Bu, Trung Quốc và ASEAN cũng cần ưu tiên các lĩnh vực chủ chốt, bao gồm sắt, thép, xi măng, kỹ thuật công nghệ, năng lượng và vật liệu xây dựng, để nâng cao hiệu quả hợp tác. Ngoài ra, sự hỗ trợ về mặt chính sách và tài chính cũng cần thiết để có thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên.

Trong khi đó, vai trò chủ chốt của doanh nghiệp trong mối quan hệ hợp tác này cần phải được chú trọng và các cơ quan chức năng cần có sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật để khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục