Công nhân ngành chế biến thực phẩm Mỹ đình công

Ngày 5/12, công nhân hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm tại hơn 100 thành phố của Mỹ đã tổ chức đình công, đòi tăng lương.

Ngày 5/12, công nhân hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm tại hơn 100 thành phố của Mỹ đã tổ chức đình công, đòi tăng lương do mức lương tối thiểu hiện tại không đủ trang trải chi phí cuộc sống.

Hoạt động này diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Barack Obama hối thúc Quốc hội lưỡng viện Mỹ tăng lương cơ bản cho người lao động.

Với các biểu ngữ "Chung sức vì 15 USD và tình đoàn kết" hay "Hãy lắng nghe chúng tôi, Tổng thống Obama!" những người đình công đã tập trung trước các nhà hàng phục vụ đồ ăn nhanh tại thủ đô Washington, thành phố New York, Detroit và hô vang các khẩu hiệu đòi tăng mức lương tối thiểu hiện nay từ 7,25 USD/giờ lên 15 USD/giờ.

Các công nhân trong ngành chế biến đồ ăn nhanh bày tỏ bất bình trước thái độ thờ ơ của chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có doanh số lên tới hàng tỷ USD mỗi năm nay trước những khó khăn của người lao động trong thời kỳ kinh tế Mỹ chật vật phục hồi sau khủng hoảng tài chính.

Họ khẳng định mức lương hiện tại không thể đủ để trang trải cuộc sống. Nhiều người phải cầu cứu sự giúp đỡ của người thân và sự hỗ trợ của chính phủ. Theo một nghiên cứu mới đây do Đại học Illinois thực hiện, hơn một nửa các hộ gia đình có người trụ cột kiếm tiền làm việc trong các nhà hàng ăn nhanh phải sống dựa vào hỗ trợ của chính phủ.

Trong một phản ứng đầu tiên, đại diện của chuỗi nhà hàng nổi tiếng McDonald khẳng định cuộc đình công này không ảnh hưởng đến hoạt động cơ sở bán hàng.

Các công ty chế biến thực phẩm thậm chí còn để ngỏ khả năng tăng giá thành các sản phẩm đồ ăn nhanh nếu như chính phủ tăng lương tối thiểu. Phần lớn các tập đoàn như McDonald hay Burger King đều viện cớ rằng các cửa hàng bán đồ ăn nhanh đều do các cá nhân ở địa phương làm chủ và vận hành, do đó họ không quản lý vấn đề tiền lương của nhân viên.

Trước đó, phát biểu tại Trung tâm vì sự tiến bộ của nước Mỹ, Tổng thống Obama đã lên tiếng kêu gọi nâng mức lương tối thiểu, cho rằng sự bất hợp lý về thu nhập là một thách thức đối với Mỹ.

Trong khi đó, thị trưởng mới đắc cử của thành phố New York Bill de Blasio khẳng định sự ủng hộ đối với giới công nhân chế biến thực phẩm nhằm có được mức lương phù hợp và các khoản ưu đãi.

Tuy nhiên, cuộc chiến này sẽ không dễ dàng tại Quốc hội do vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ Cộng hòa, vốn cho rằng tăng lương tối thiểu sẽ kéo theo nhiều khoản chi phí tăng thêm, đặc biệt là chi phí vận hành.

Hồi tháng Ba vừa qua, phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ đã bác đề xuất nâng mức lương tối thiểu lên 10,10 USD/giờ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục