Công nương-Tổng thống

Công nương-Tổng thống: Hư cấu hay tự sự hư cấu?

Giọng nàng nhỏ nhẹ ... và tôi trở vào Điện Elysee, bước lên bậc thềm mà đầu óc cứ hừng hực nóng và trái tim thì tràn trề hạnh phúc.
Dù chỉ là một trong số 659 cuốn tiểu thuyết ra mắt ở Pháp trong cái gọi là rentrée littéraire (“Mùa thu hoạch văn học” - thường diễn ra vào mùa Thu, trước thời gian xét trao một loạt giải văn học tại Pháp) năm nay và chưa phát hành (đầu tháng tới mới bày bán), tác phẩm này đã làm chấn động giới phê bình và báo chí. Sách gì, của tác giả nào và tại sao lại được dư luận quan tâm tới mức như vậy?

Xin thưa, đó là cuốn truyện nhan đề "La Princesse Et Le Présiden" (Công nương và Tổng thống - do Nhà xuất bản XO và Le Fallois in), một cái tên hết sức bắt mắt, lôi cuốn mọi kẻ tò mò: cuộc tình giữa một Tổng thống và một công nương. Bởi tác giả của nó không phải ai lạ, mà là cựu Tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing (nhiệm kỳ 1974-1981), nay đã ở tuổi 83. Còn Công nương là nhân vật sánh đôi với vị tổng thống trong truyện?

Tình trường

Cuốn "Công nương và Tổng thống" trần thuật cuộc tình sét đánh, vào thập niên 80 của thế kỷ trước, giữa Tổng thống Pháp Jacques-Henri Lambertye góa vợ (không như chính tác giả - nên nhớ đây là tiểu thuyết) và Công nương Patricia, gọi tắt là Lady Pat, giống như cách gọi Công nương xứ Wales Diana (1961-1997): Lady Di. Lady Pat là công nương Cardiff, thành phố ở xứ Wales!

Họ tình cờ giáp mặt nhau trong Điện Buckingham ở thủ đô London, Anh, nhân buổi dạ hội kết thúc cuộc họp thượng đỉnh G7. Tổng thống Jacques-Henri Lambertye, qua ngòi bút của tác giả, tường thuật giây phút họ hội ngộ như sau: “Tôi vội đứng dậy, kéo ghế ra sau, tránh chỗ cho Công nương Cardiff bước qua và ngồi xuống bên cạnh. Nàng cảm ơn bằng một cái nhìn xiên xiên kỳ diệu khiến tôi cảm thấy rõ nét sự duyên dáng của nàng”.

Sau cử chỉ phong nhã và cái nhìn xao xuyến đổi trao ấy, họ “cảm thông” ngay với nhau. Bởi bấy giờ tâm trạng Tổng thống quả thật cô đơn, còn Công nương Patricia thì khôn thôi buồn tủi trong lòng. Nàng rỉ tai tâm sự: “Độ mười hôm trước ngày cưới, ông chồng tương lai báo cho tôi biết là ông ấy có bồ. Ông không thể bỏ cô ta và quyết tâm tiếp tục mối quan hệ này cả khi chúng tôi đã thành vợ thành chồng”.

Thế là sau đó nàng chẳng ngại làm nguôi ngoai cõi lòng bằng cách liên tiếp cặp kè với những người đàn ông khác. Lady Pat cũng tham dự những tổ chức thiện nguyện, chẳng hạn như hoạt động cho các dự án phòng chống HIV/AIDS đang hoành hành trên khắp thế giới, nhất là ở châu Phi, hay dấn mình vào phong trào đòi tiêu hủy công nghệ sản xuất mìn cá nhân hằng gây thương tích và giết hại nhiều người dân vô tội.

Chẳng mấy chốc họ đã trở nên thân thiết, đến mức: “Tôi (Tổng thống) liền hôn lên bàn tay nàng, còn nàng thì dò hỏi tôi qua cặp mắt đen sậm mở to trên gương mặt nghiêng nghiêng tới trước”. Lại nữa: “Tôi vẫn còn nghe rõ mồn một câu nói bằng tiếng Anh của nàng. Chẳng phải nhờ trí nhớ nhắc nhở, mà nhờ ở giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng của nàng: I wish that you love me" -(Mong được anh yêu). Rồi khi bay về Pháp: “Tôi trở vào Điện Elysee (Phủ Tổng thống) và bước lên bậc thềm mà đầu óc cứ hừng hực nóng và trái tim thì tràn trề hạnh phúc”.

Bối cảnh

Cuộc tình sét đánh trên đây diễn ra trong bối cảnh sống động của chính trường.

Là nguyên thủ quốc gia như tác giả, dù bị sét đánh trên tình trường, Tổng thống Jacques-Henri Lambertye vẫn chỉn chu với nhiệm vụ của người đứng đầu đất nước. Dẫu nghi thức ngoại giao và nhà nước nặng nề đến đâu, vị Tổng thống và Công nương vẫn tìm đủ mọi cách tự mình thoát ra khỏi thủ tục vừa phức tạp vừa rườm rà để chia sẻ với nhau những giây phút thần tiên “trong những nơi danh giá nhất của Pháp và Anh”.

Những “tổ ấm” ấy là lâu đài Kensington nơi ngoại ô London hay biệt thự Sucy ở ngoại thành Paris - nơi cố Tổng thống Francois Mitterrand (1916-1996) đã kín đáo ôm ấp một mối tình ngoài giá thú. Nhưng đặc biệt hơn hết là lâu đài Rambouillet hết sức lãng mạn ở phía Tây thủ đô Pháp, có trại nuôi cừu, có rừng thú hoang dã.

Tác giả hứng thú miêu tả khuôn viên lâu đài thật tỉ mỉ, không bỏ qua một chi tiết hữu tình, hữu ý nào. Điều đó cho thấy tác giả vẫn còn quyến luyến với nó, nơi thời đương nhiệm, ông Valery Giscard d’Estaing đã tổ chức nhiều cuộc đi săn ngoạn mục. Biểu tượng cho cuộc tình tiểu thuyết, bởi “săn đuổi nào mà chẳng cùng chung một cách như thế”.

Nhân vật Jacques-Henri Lambertye chẳng đang đắm say theo đuổi Công nương Patricia đó ư? Thậm chí, “một tờ báo tại London đã đánh hơi thấy mối tình lãng mạn này và giật tít: Công nương xứ Cardiff đã qua đêm trong lâu đài của Tổng thống Pháp”.

Trong lúc say sưa đắm đuối với Công nương Cardiff, Tổng thống Pháp không vì vậy mà lơ là nhiệm vụ ngoại giao của mình. Gạt qua một bên mối thù giữa hai dân tộc, gây nên bởi biết bao biến cố lịch sử, ông mơ tưởng tới một ngày nước Cộng hòa Pháp và Vương quốc Anh thực sự hòa giải với nhau. Cuộc tình giữa ông và Lady Pat có thể xem như bằng chứng thiết thực nhất, tiền đề cho sự hòa hợp ước mong đó.

Tiểu thuyết và thực tế

Phía trên là nội dung cuốn truyện. Có điều là các nhân vật Công nương và Tổng thống đều hư hư thực thực, còn tác giả thì không ngớt trộn lẫn thực tế và tưởng tượng như đánh đố độc giả. Hư cấu chăng? Tự sự chăng? Thực tế chăng? Cuối cùng chỉ có tác giả, cựu Tổng thống Valery Giscard d’Estaing, là nắm trong tay đầy đủ yếu tố tâm tình và chất liệu để xác định.

Một số báo Pháp cảm thấy “kinh ngạc” về tính xác thực trong những chi tiết của cuốn truyện và cho rằng, câu chuyện của một công nương trẻ suy sụp tinh thần vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc rất giống với Công nương Diana ngoài đời.

“Người ta không thể phân biệt được giữa hư cấu và thực tế, Etienne De Montety, biên tập viên văn học của tờ Le Figaro, nhận xét. Tuy nhiên, có một điểm trong cuốn tiểu thuyết không giống với thực tế là Tổng thống Lambertye đã dễ dàng tái đắc cử, trong khi ngoài đời ông Giscard d’Estaing lại thất bại ở cuộc chạy đua vào Điện Elysée lần thứ hai hồi năm 1981.

Nhưng có một điều gần như chắc chắn là tác giả Giscard d’Estaing sẽ hốt bạc, dẫu rằng cuốn sách của ông chẳng thuộc loại kiệt tác văn chương có thể đoạt giải này nọ trong “mùa gặt hái” sắp tới./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục