Công phu kỳ thạch

Sưu tầm kỳ thạch: “Nghề chơi cũng lắm công phu”

Mỗi khối đá tự nhiên đều chứa một thông điệp và ngôn ngữ riêng mà chỉ người thật sự tâm huyết, say mê với đá mới có thể đọc được.
Đến nay, nhiều người không còn coi đá là vô tri mà họ tiếp xúc với đá như tiếp xúc với một thế giới của tâm hồn. Người ta còn thấy đá là nơi neo đậu tâm trạng, suy tư. Thậm chí, họ có thể kiếm tìm một sự đồng điệu.

Khi mệt mỏi, hay gặp bế tắc trong cuộc sống, nhiều người đã dùng đá để tập luyện lấy lại sự thư thái, cân bằng. Không ít gia đình đặt ở nhà mình những tảng đá phong thủy để cầu an, cầu may… Chính vì thế, chơi đá đã trở thành một thú chơi của người hiểu biết và cũng là thứ “đua đòi” thời thượng.

Theo chân kỹ sư Lê Mạnh Tuấn, chuyên gia nghiên cứu, sưu tầm kỳ thạch (đá lạ) Việt Nam chúng tôi tới Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội và tư gia của ông ở Lương Sơn, Hòa Bình để xem những mẫu đá lạ ông sưu tầm được trong nhiều năm qua.

Tôi đã hết sức ngạc nhiên chứng kiến tới ngót vạn mẫu kỳ thạch của Việt Nam do ông sưu tầm. Người kỹ sư này luôn trau chuốt đến từng hình đá bởi với ông chơi đá cũng cần phải tỉ mẩn và công phu.

Đi tìm thông điệp của đá

Ngoài ba phòng triển lãm kỳ thạch tại Hoàng Thành, từ lối vào cho đến các gian nhà riêng ở Hòa Bình của kỹ sư Lê Mạnh Tuấn đều xếp đầy những mẫu đá lạ.

Với ông, muốn chơi đá cần phải  có "đạo" riêng, hay còn gọi là “thạch đạo.” Ông tâm sự: "Mỗi khối đá tự nhiên mang một thông điệp và ngôn ngữ riêng mà chỉ người thật sự tâm huyết, say mê với đá mới có thể đọc được.”

Để kiếm được hòn đá mình ưng ý, kỹ sư Lê Mạnh Tuấn đã không tiếc những tháng ngày “săn lùng” chúng. Có lúc ông vào tận miền Nam khi lại lặn lội lên các tỉnh như Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang… Lại cũng có khi thật ngẫu nhiên mà vợ chồng ông tìm thấy viên đá quý ngay bên đường.

Trong những mẫu đá quý kỹ sư Lê Mạnh Tuấn sưu tầm được có khối “Mẫu tử” đã từng đoạt giải đặc biệt trong festival về đá được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2006.

Khối đá angôrít nặng gần 2kg này có hình nhọn, cao chừng 40cm, màu đỏ và trắng do hai lớp đá khác nhau tạo nên. Trên khối đá là hình ảnh người mẹ trẻ với mái tóc ngang vai, mặc áo dài thướt tha đang ngồi ôm con nhỏ hát ru, vỗ về. Em bé áp đầu vào ngực mẹ cảm nhận hơi ấm và sự che chở.

Trước nay, nói tới đá thường chỉ cho người ta thấy sự khô khốc và lạnh lùng. Vậy mà mấy ai biết tới đá tạc nên hình hài mềm mại và ân tình đến vậy.

Hay những viên đá về cuộc đời người phụ nữ, từ lúc là một cô bé nhí nhảnh đến khi e ấp với thân hình một thiếu nữ rồi trở thành người phụ nữ mang nặng đẻ đau đến lúc về già. Tất cả toát nên niềm kiêu hãnh cũng như nỗi truân chuyên của người đàn bà. Những bức thông điệp này nhắc người chơi đá phải biết trân trọng và yêu thương phụ nữ.

Gây chú ý đặc biệt cho người xem là khối đá “Khiêu vũ” được đặt ở lối vào nhà ông Tuấn trông như hai vũ công trong một điệu nhảy cổ điển đẹp lãng mạn. Hay sự tôn nghiêm trong tảng đá hình rùa gợi nhớ về Hồ Gươm với rùa thiêng và hào khí dân tộc một thời…

“Chơi” cũng phải công phu

Người chơi đá kỹ tính như ông Tuấn chỉ dốc bầu tâm sự với những ai thật sự có thái độ trân trọng đối với đá.

Bộ sưu tập đá đặt ở Lương Sơn, Hòa Bình của ông Tuấn cho thể làm choáng ngợp bất cứ vị khách nào đến thăm. Tiếng lành đồn xa, có một vị đại gia đã tìm đến ông để xin mua một viên. Tuy nhiên, vị “đại gia” ấy lại phô trương sự giàu có và tỏ ra trịch thượng, vô ý dẫm cả lên một tảng đá đang trưng bày ở cổng vào. Thấy vậy, ông Tuấn đã thẳng thừng từ chối vị khách này.

“Đá cũng như người, cần được sự tôn trọng,” kỹ sư Lê Mạnh Tuấn tâm sự.

Ông Tuấn cho rằng, ngày nay có nhiều người chuyển sang chơi đá, một phần vì những khối đá quý hiếm giúp gia chủ mở mày mở mặt với khách, một phần vì đá để trong nhà còn mang ý nghĩa phong thủy, đón điều tốt lành, chấn sự xấu vào nhà.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng hiểu tường tận về đá, có ứng xử đúng với đá. Nên có người nghĩ rằng, chỉ bỏ tiền ra mua là xong. Tuy nhiên, nếu chỉ bỏ tiền mua mà chưa lần nào cất công đi tìm thì chưa phải là người chơi đá đích thực.

Người kỹ sư sống chung với đá và thở hơi thở của đá chia sẻ, đã chơi đá cần phải biết dưỡng đá. Dưỡng đá từ việc dễ nhất là lau chùi nó thường xuyên. Cầu kỳ hơn, đá cần được dưỡng trong lòng đất và cỏ cây vài ba năm. Việc làm này vừa giúp đá không bị nứt đồng thời còn để nó hấp thụ năng lượng của đất trời tốt hơn. Biết vậy, nên ông Tuấn đã dùng 6.000 mét vuông đất tại Lương Sơn, Hòa Bình để dành riêng cho việc dưỡng đá theo hình thức này.

Chơi đá công phu và tốn kém nhưng vì hiểu và yêu đá nên ông Tuấn không cảm thấy mệt mỏi. Có khi ông vét đến đồng cuối cùng để phục vụ việc sưu tầm đá. Người hỏi mua đá của ông nhiều nhưng chả mấy khi ông bán. Người kỹ sư này tâm niệm, mình sẽ giữ lại số đá sưu tầm được để các thế hệ con cháu sau này biết tới tiềm năng của đá Việt mà trân trọng nó./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục